Mạo danh con trai “bầu” Hiển cho vay tiền: Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tài chính

Google News

Bằng thủ đoạn giả mạo tài khoản tổ chức, cá nhân, nhất là những người nổi tiếng trên mạng xã hội các đối tượng phạm tội công nghệ cao đã đánh vào tâm lý khách hàng nhẹ dạ cả tin khiến họ “sập bẫy” tài chính.

Mạo danh con trai "bầu" Hiển cho vay tiền
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa phát đi thông báo khẩn về việc một số tài khoản mạng xã hội mạo danh và sử dụng trái phép hình ảnh của lãnh đạo cũng như hình ảnh ngân hàng SHB và Công ty tài chính tiêu dùng SHB Finance (SHB FC).
Cụ thể, trên Facebook, Zalo thời gian gần đây xuất hiện một số tài khoản sử dụng hình ảnh ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc SHB và tên, hình ảnh của ông Đỗ Quang Vinh - Phó Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ SHB, Chủ tịch HĐTV SHB FC, con trai “bầu” Hiển - nhằm mục đích quảng bá, lôi kéo, kêu gọi sử dụng dịch vụ tài chính, cho vay cá nhân.
Mao danh con trai “bau” Hien cho vay tien: Canh bao thu doan lua dao tai chinh
 Một số tài khoản mạo danh sử dụng hình ảnh ông Đỗ Quang Vinh, con trai "bầu" Hiển để lôi kéo, kêu gọi sử dụng dịch vụ tài chính.
Các tài khoản này dùng rất nhiều thủ đoạn lôi kéo người vay như sử dụng danh tính, uy tín của cá nhân lãnh đạo và hình ảnh ngân hàng SHB, SHB FC, cam kết hỗ trợ nợ xấu, giải ngân chỉ trong 1 giờ đồng hồ, thủ tục đơn giản, không thẩm định, lãi suất ưu đãi, hạn mức lên đến 200 triệu đồng… Đây là hành vi mạo danh người và tổ chức, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín ngân hàng SHB, SHB FC và cá nhân các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng
Ngay sau khi phát hiện ra vụ việc, đại diện SHB đã liên hệ và yêu cầu các tài khoản mạng xã hội có hành vi mạo danh lãnh đạo SHB gỡ ngay tài khoản giả mạo và các hình ảnh liên quan tới ngân hàng SHB, SHB FC, ông Nguyễn Văn Lê và ông Đỗ Quang Vinh. Đồng thời, SHB đã có đơn tố giác và làm việc với cơ quan chức năng để tố cáo hành vi sử dụng trái phép hình ảnh lãnh đạo và ngân hàng SHB, SHB FC trên mạng xã hội. Đề nghị xem xét dấu hiệu vi phạm hình sự của các hành vi này và có biện pháp can thiệp với các đối tượng liên quan một cách sớm nhất.
SHB cũng sẽ làm việc với đại diện Zalo và Facebook tại Việt Nam để tố cáo hành vi vi phạm và yêu cầu các mạng xã hội này hỗ trợ ngăn chặn các tài khoản mạo danh lãnh đạo SHB.
Lừa đảo tài chính ngày càng tinh vi
Việc một số tài khoản mạo danh các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là những người nổi tiếng để cho vay tín dụng không phải chuyện hiếm hoi ở Việt Nam. Bằng những chiêu thức tinh vi, các đối tượng tội phạm công nghệ cao sẽ đánh vào tâm lý, niềm tin của khách hàng khiến họ nhẹ dạ cả tin để rồi “sập bẫy” tài chính.
Các đối tượng xấu thành lập cơ sở kinh doanh chui tuyển nhiều nhân viên, tạo các Fanpage trên Facebook, Zalo với cái tên Công ty tài chính không có thật và cũng chưa đăng ký giấy phép kinh doanh. Chẳng hạn như: Công ty TNHH dịch vụ và Thương mại HSJC, Công ty tài chính Việt Nam,…
Đối tượng phạm tội sẽ chạy quảng cáo liên tục để tiếp cận người dùng với các thông tin khoản vay từ 5 - 70 triệu đồng. Lãi suất ưu đãi chỉ 0,5% mỗi tháng. Hồ sơ chỉ cần bản chụp hình CMND/ sổ hộ khẩu/ bằng lái xe. Rồi sau đó buộc khách hàng phải đóng bảo hiểm rủi ro với số tiền 550.000 đồng. Các đối tượng hứa sô tiền này sẽ được hoàn trả đầy đủ khi khách hàng tất toán nợ.
Mao danh con trai “bau” Hien cho vay tien: Canh bao thu doan lua dao tai chinh-Hinh-2
 Thủ đoạn lừa đảo tài chính của các đối tượng xấu ngày càng tinh vi. (Ảnh minh họa).
Gần nhất, hồi cuối tháng 6, những đối tượng xấu cũng lập ra một app (ứng dụng) giả mạo một Công ty tài chính nhằm lợi dụng uy tín của doanh nghiệp này trên thị trường để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Ngay khi phát hiện, Công ty tài chính này đã nhanh chóng khuyến cáo người dân và khách hàng hết sức cảnh giác.
Ngân hàng VPBank, mới đây cũng phát hiện app VAY TOT credit tự mạo danh là app vay tiền của nhà băng này yêu cầu khách hàng đóng một khoản phí để được giải ngân tiền.
Thủ đoạn lừa đảo của kẻ gian là gửi thông tin hỗ trợ khoản vay lên tới 1 tỉ đồng, yêu cầu khách hàng nhấn vào link 3iv.cc/Dny5Ddeswmdg để đăng ký vay 70 triệu. Kẻ gian sẽ liên hệ với khách hàng qua số điện thoại cá nhân trên Zalo yêu cầu khách hàng hoàn tất hồ sơ xét duyệt sau đó vào ứng dụng rút tiền về tài khoản của khách hàng.
"Khách hàng vào ứng dụng thực hiện rút tiền thì báo lỗi và kẻ gian gọi điện yêu cầu cung cấp tên, số tài khoản ngân hàng, CMND để sửa giúp. Kẻ lừa đảo tinh vi gửi đến khách hàng 1 bản điều khoản thay đổi số tài khoản (có dấu đỏ giả mạo con dấu của VPBank) thông báo nạp 10% khoản vay tương đương với 7 triệu đồng để thay đổi số tài khoản (chuyển khoản tới số tài khoản của kẻ lừa đảo) và hứa số tiền này sẽ được hoàn trả vào tài khoản cùng số tiền vay" - VPBank chỉ rõ thủ đoạn.
Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) cũng cho hay, thời gian gần đây có nhiều phản ánh từ khách hàng về việc bị một số đối tượng sử dụng hình ảnh của CIC để tư vấn cấp tín dụng, cung cấp báo cáo thông tin tín dụng giả mạo có thu phí qua đường bưu điện. Thậm chí, trên một số trang mạng xã hội còn chào mời sử dụng các dịch vụ sửa, xóa thông tin nợ xấu.
Để tạo sự tin tưởng, đối tượng lừa đảo sử dụng tên, website cCng ty, địa chỉ Email gần giống với CIC để thực hiện hành vi lừa đảo như: CYC, Trung tâm hỗ trợ CIC, Ngân hàng CIC, ứng dụng CIC Credit Conect (thiếu chữ "n" trong từ Connect trong ứng dụng của CIC)... Cá biệt, một số đối tượng lừa mạo danh cán bộ CIC (dùng điện thoại, hoặc gửi Email, tin nhắn Zalo…) thông báo khách hàng được vay vốn với lãi suất ưu đãi, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân (chứng minh thư, sổ hộ khẩu) để được hỗ trợ cho vay, sau đó yêu cầu khách hàng trả phí để được vay vốn…
Trước đó, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", thì từ 15/4/2019 đến 15/4/2020, Bộ Công an đã tiếp nhận tin báo, phát hiện 1.152 vụ, 2.423 đối tượng liên quan đến tín dụng đen; khởi tố 602 vụ, 1.427 bị can, xử phạt hành chính 382 vụ, 911 đối tượng; ra quyết định không khởi tố vụ án 137 vụ, 173 đối tượng, đang xác minh 143 vụ, 191 đối tượng.
Trước những hoạt động biến tướng của lừa đảo tài chính qua tài khoản Zalo, Facebook đang ngày càng tinh vi, khách hàng nên thận trọng sàng lọc thông tin kỹ lưỡng, không nên vay vô tội vạ tránh “sập bẫy” tài chính.
Khánh Hoài (T/H)

>> xem thêm

Bình luận(0)