|
Vì sao lương thưởng bầu Đức bỗng dưng trở nên bí ẩn? |
Bầu Đức vốn được truyền thông biết đến khi tiết lộ mức lương "khủng". Theo đó, hàng năm, thù lao mà Hoàng Anh Gia Lai chi trả cho bầu Đức thường xuyên là con số tỷ đồng. Trong đó, năm 2014, bầu Đức nhận số tiền rất lớn.
Cụ thể, theo báo cáo thường niên 2014, thù lao và các khoản lợi ích mà bầu Đức nhận được từ Hoàng Anh Gia Lai là 5,58 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2013. Trung bình, mức lương hàng tháng của bầu Đức là 465 triệu đồng.
Không chỉ bầu Đức nhận lương khủng, cả dàn lãnh đạo hơn chục người của Hoàng Anh Gia Lai đều nhận lương bạc tỷ. Mức thù lao của từng người được Hoàng Anh GIa Lai công bố chi tiết trong các báo cáo thường niên hàng năm.
Thế nhưng, khi Hoàng Anh Gia Lai gặp khó khăn với những thông tin về nợ khủng, lỗ nặng, thông tin về lương thưởng của tập đoàn này đã được giấu kín.
Năm 2015, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chỉ đạt 602 tỷ đồng, giảm mạnh từ con số 1.556 tỷ đồng năm 2014. Trong báo cáo thường niên 2015, Hoàng Anh Gia Lai không công bố chi tiết và "hoành tráng" bảng lương dàn lãnh đạo. Thay vào đó, công ty chỉ cho biết thù lao của thành viên Hội đồng quản trị độc lập hoặc không điều hành là 22 triệu đồng/người/tháng (tương ứng 264 triệu đồng/người/năm).
Trong khi đó, Hoàng Anh Gia Lai trích 5% lợi nhuận sau thuế cho ban Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc. Như vậy, bình quân mỗi lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai nhận 2,5 tỷ đồng/người/năm, tương ứng 209 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức lương rất cao dù lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai lao dốc.
Tới năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai khiến cổ đông và giới đầu tư "sốc" khi công bố khoản thua lỗ lên tới 1.503 tỷ đồng. Và trong báo cáo thường niên 2016, tập đoàn không hề đả động tới thông tin lương thưởng của bầu Đức và dàn lãnh đạo.
Thậm chí, tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông 2017, về phần lương thưởng cho dàn lãnh đạo, Hoàng Anh Gia Lai không đưa ra con số cụ thể mà chỉ cho biết sẽ "Trích thù lao cho Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát và Ban Thư ký và Ủy quyền Hội đồng quản trị thực hiện mức trích thù lao năm 2017 và sẽ báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018".
Trong khi đó, một trong những điểm đáng chú ý là doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai năm 2017 chủ yếu đến từ cây ăn quả.
Cụ thể, năm 2017, HAGL dự kiến đạt doanh thu thuần 6.335 tỉ đồng thì trong đó, doanh thu từ cây ăn quả dự kiến lên tới 2.578 tỉ đồng, tương đương 41% tổng doanh thu.
Tính đến ngày 18/5/2017, Hoàng Anh Gia Lai đã trồng 18.686 ha cây ăn trái gồm 17 loại cây. Nổi bật trong đó bao gồm xoài (3.983 ha), thanh long (2.988 ha), chuối (2.826 ha), và chanh dây (1.483 ha).Vườn trái cây của Hoàng Anh Gia Lai được trồng tại Việt Nam (2.111 ha), Lào (8.731 ha) và Campuchia (7.845 ha).
Dự kiến, đến cuối năm 2017, doanh nghiệp này sẽ tăng tổng diện tích trái cây lên 20.800 ha. Việc trồng nhiều loại trái cây khác nhau được kỳ vọng sẽ giúp giảm rủi ro liên quan đến sự thay đổi về nhu cầu của thị trường cũng như bệnh dịch.