Chính phủ vừa ban hành nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng.
Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
|
Ảnh minh họa. |
Đối với những người lao động ngoài nhà nước (làm việc tại các công ty), các công ty không buộc phải tăng lương cho công nhân. Việc tăng lương cho công nhân vẫn được thực hiện theo thỏa thuận giữa công nhân và công ty về chế độ nâng lương trước đó.
Dù vậy, khi điều chỉnh lương cơ sở, nhiều khoản tiền, trợ cấp dành cho người lao động ngoài nhà nước cũng sẽ được điều chỉnh hưởng thêm quyền lợi.
Cụ thể, tăng trợ cấp mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau; tăng trợ cấp một lần khi sinh con; trợ cấp dưỡng sức sau thai sản; trợ cấp một lần; trợ cấp hằng tháng; trợ cấp phục vụ; trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Tăng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật; điều chỉnh mức lương hưu hàng tháng; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng; tăng mức hưởng lương hưu với người lao động vừa đóng bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện.
Đối với kinh phí thực hiện tăng lương cơ sở, nghị định số 24/2023/NĐ-CP nêu rõ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 tăng thêm so với dự toán năm 2022 đã được cấp có thẩm quyền giao;
Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có thu phí thực hiện trích lập tạo nguồn cải cách tiền lương từ một phần nguồn thu phí được để lại theo chế độ quy định sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí...
Kinh phí thực hiện cải cách tiền lương của viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2 do đơn vị tự đảm bảo theo quy định tại nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế nghị định số 60/2021/NĐ-CP (nếu có).