Mới đây, tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về việc điều chỉnh tăng lương cơ sở.
Theo đó, Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng (hiện là 1,49 triệu đồng), tăng khoảng 20,8%; mức tăng chi lương hưu, trợ cấp BHXH với đối tượng do ngân sách Nhà nước chi trả khoảng 12,5%...
|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai thông tin về vấn đề tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức. (Ảnh: VOV) |
Khi nào tăng, đối tượng được hưởng?
Cần phải hiểu, lương cơ sở là mức lương áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
Do đó, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có công với cách mạng, người nghỉ hưu hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội và khối doanh nghiệp Nhà nước trong lần này sẽ được điều chỉnh mức lương.
Như vậy, nếu được thông qua, từ năm sau, lương cơ sở có mức tăng đáng kể, thêm hơn 300.000 đồng/tháng. Đây có thể được gọi là tin vui đối với các cán bộ hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Bởi, con số tăng trên 20% có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề kinh tế trong gia đình nếu có chi phí phát sinh.
Nếu tăng lương cơ sở từ 1/7/2023 lên 1,8 triệu đồng, mức lương thấp nhất cho công chức, viên chức có trình độ đại học vừa tốt nghiệp ra trường vào khoảng 4,2 triệu đồng/người/tháng, cao hơn khoảng 700 nghìn đồng so với mức lương hiện hành hiện nay.
Về lộ trình, việc thực hiện điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến thực hiện từ 1/1/2023.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, việc tăng lương cơ sở dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó có tính toán theo thang bảng lương, phụ cấp nghề, các quy định khác tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, việc thực hiện tăng lương cơ sở là nỗ lực rất lớn của các cơ quan, được đề xuất và tính toán các điều kiện cần thiết để tăng.
“Sau khi tăng lương cơ sở, các cơ quan chức năng sẽ tính toán, để xuất thời điểm thực hiện cải cách tiền lương”, ông Mai nói.
Từ 2019 đến nay, mức lương cơ sở làm căn cứ tính lương khu vực công vẫn được neo ở mức 1,49 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ).
|
(Ảnh minh hoạ) |
Mức lương hưu sẽ thay đổi thế nào nếu lương cơ sở tăng?
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 10 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định mức lương hưu sẽ thay đổi phụ thuộc theo mức lương cơ sở và mức điều chỉnh tiền lương qua các năm tương ứng.
Công thức tính mức hưởng lương hưu sẽ là: Mức hưởng lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Bên cạnh đó, theo Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ tính theo thời gian đóng BHXH. Tỷ lệ hưởng lương hưu thấp nhất là 45% và cao nhất là 75%.
Do đó, khi tăng lương cơ sở sẽ tăng mức bình quân tiền lương đóng BHXH và tăng lương hưu hiện hưởng hàng tháng của cán bộ, công chức, viên chức khi về hưu.
Ngoài ra, mức lương hưu tối đa không quá 20 lần mức lương cơ sở theo khoản 3 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Nếu mức lương cơ sở áp dụng để tính các khoản trên đối với cán bộ, công chức, viên chức được thông qua là 1,8 triệu đồng/tháng, thì mức lương hưu tối đa cán bộ hưu trí được hưởng không quá 1,8 triệu x 20 = 36 triệu/tháng. Như vậy, mức lương cơ sở tăng thì mức lương hưu tối đa cũng sẽ tăng.
Có thể thấy, mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng có ảnh hưởng rất nhiều đến mức lương hưu mà người lao động được hưởng. Khi mức lương cơ sở tăng, mức lương tối thiểu vùng tăng thì mức lương hưu tối thiểu và mức lương hưu tối đa tăng.