Với dân buôn bán cá, mùa thị trường sôi động nhất chính là cận và sau Tết Nguyên đán, trong đó ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo) là dịp dân buôn bán cá hốt bạc. Dịp đó, hầu hết các nhà đều mua cá chép đỏ. Người ít thì mua một bộ 3-5 con, người mua nhiều thì hàng yến cá để cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Hơn 7 giờ tối, chưa kịp cơm nước gì cho các con, chị Lê Thanh Hải, chủ một mối buôn thủy hải sản có tiếng ở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn luôn chân luôn tay cùng mấy người làm kiểm tra lại bình sục oxi và dọn dẹp cho xong mấy cái bể cá cho sạch sẽ.
Chị Hải chia sẻ, nay đã là 16 tháng Chạp, khoảng 2 ngày nữa chị bắt đầu cho xe ô tô lên huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) chở cá chép đỏ về Hà Nội để bán buôn cho các mối nhỏ lẻ phục nhu cầu mua cá Tết ông Công ông Táo.
|
Dân buôn ôm số lượng cá chép cực lớn phục vụ nhu cầu ngày 23 tháng Chạp.
|
Theo chị Hải, cả một năm buôn bán, dịp Tết ông Công ông Táo chính là ngày tiêu thụ cá chép đỏ nhiều nhất. Hôm đó, nhà nhà, người người mua cá chép đỏ. Nhà nào ít thì 1 bộ 3 con, nhiều thì 1 bộ 5 con, thậm chí có nhà còn mua bộ 7 hoặc 9 con về cúng rồi đem ra ao, hồ phóng sinh.
“Bây giờ chỉ còn chờ sát ngày 23 tháng Chạp là lên ao đánh cá chép về Hà Nội bán thôi. Còn chuyện gom cá, đặt cá tôi đã làm cách đây cả tháng rồi”. Tuy nhiên, chị Hải cho hay, 3 năm gần đây, lượng cá tiêu thụ tại Hà Nội giảm đáng kể, cá chép cũng xảy ra tình trạng ế ẩm.
Thế nhưng, để đáp ứng nhu cầu của thị trường Tết ông Công, ông Táo, năm nay chị vẫn đặt 3 tấn cá. Trong đó, 2 tấn đặt mua tại huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), hơn 1 tấn còn lại chị đặt ở Hưng Yên với đủ kích cỡ khác nhau, từ loại nhỏ cỡ 2 ngón tay đến bằng cả bàn tay.
Bà Nguyễn Thị Nhàn, một đầu mối buôn cá tại chợ đầu mối Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết, để chuẩn bị cho thị trường Tết ông Công ông Táo, bà đã đặt mua 5 tấn cá chép đỏ các loại.
Cá chép đỏ thịt không ngon bằng chép trắng nên loại cá này được các nhà đầm, ao hồ nuôi chỉ để phục vụ thị trường trong những ngày Tết ông Công, ông Táo. Tại các chợ đầu mối, lượng cá tiêu thụ ở mỗi hàng lên tới cả tấn. Thế nên, nếu không gom mua cá từ giờ sẽ không đủ nguồn hàng để bán.
|
Cá chép đỏ rất được ưa chuộng cúng Ông Công Ông Táo.
|
Năm ngoái, bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp, bà Nhàn đã bán mỗi ngày khoảng gần 2 tấn cá chép đỏ. Hết ngày 23 tháng Chạp, bà bán hết 5 tấn cá.
“Năm nay, tôi cũng chỉ dám “ôm” 5 tấn chứ không dám lấy nhiều hơn. Bởi ôm nhiều quá không làm kịp dù vào 23 tháng Chạp năm ngoái tôi cháy hàng cá chép từ khá sớm”, bà nói.
Bà Nhàn tiết lộ, cá chép đỏ chỉ bán rộ trong 3 ngày, từ 21-23 tháng Chạp, song, dân bán lẻ dịp này có thể kiếm từ 500.000-1.000.000 đồng/ngày tiền lãi. Còn với dân buôn như bà, mỗi mùa ông Công, ông Táo, số tiền lãi lên tới vài chục triệu cho tới cả trăm triệu. Như năm ngoái, bán hết số cá chép lấy về, bà đút túi gần 100 triệu đồng
Theo các mối buôn, năm nay nguồn cá chép đỏ tại các tỉnh không có nhiều biến động, giá cũng tương đương với năm ngoái. Do đó, cá chép bán lẻ tới tay người tiêu dùng dự kiến từ 25.000-50.000 đồng/bộ.
Ngoài cá chép ta đỏ, trên thị trường còn có loại cá koi được rao bán với giá từ 200.000-800.000 đồng/con, tùy loại. Cá này xuất xứ từ Trung Quốc chứ không phải nuôi ở Việt Nam.
Đây là dòng cá cao cấp nên khá kén khách mua, thường chỉ các gia đình giàu có mới mua chép koi về cúng rồi đem phóng sinh. Đáng chú ý, khách cũng chỉ chọn mua cá koi thường với giá vài trăm ngàn đồng/con để cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời. Còn loại chép koi có giá vài chục triệu đồng thì mua làm cảnh, ông Phan Văn Lâm - một chủ hàng cá ở Yên Phụ cho hay.