Trước đó, ngày 25/8/2023, Cục Thuế TPHCM đã ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty CP Đầu tư tài sản Koji (mã: KPF).
Công ty CP Đầu tư tài sản Koji bị cưỡng chế tổng số tiền là 10,85 tỷ đồng vì nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Được biết, ngày 26/7/2023, công ty này cũng bị cơ quan thuế cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng số tiền nợ thuế nêu trên.
“Ghế nóng” liên tục đổi chủ
Mới đây, Công ty CP Đầu tư tài sản Koji (mã: KPF) vừa thông báo bổ nhiệm bà Lê Thị Mộng Đào làm Tổng Giám đốc, thay thế vị trí ông Lê Nguyễn Hải Đăng để lại. Thời hạn bổ nhiệm 5 năm đến ngày 11/12/2028. Thông tin về quá trình công tác của bà Đào không được doanh nghiệp công bố.
Cùng ngày, Đầu tư tài sản Koji cũng bổ nhiệm ông Tô Tiến Đạt làm người được ủy quyền công bố thông tin kiêm phụ trách quản trị công ty, thay cho bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đã từ nhiệm trước đó. Thời hạn bổ nhiệm 5 năm, đến ngày 11/12/2028.
|
Liên tục thay thế lãnh đạo, lợi nhuận Đầu tư tài sản Koji ra sao? (ảnh minh họa: Internet). |
Đáng chú ý, kể từ đầu năm 2023, nhân sự cấp cao của Đầu tư tài sản Koji liên tục biến động. Thời điểm cuối tháng 11/2023, HĐQT của Đầu tư tài sản Koji đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của ông Lê Nguyễn Hải Đăng kể từ ngày 1/12/2023 sau hơn 7 tháng nhậm chức thay bà Đinh Thị Kim Nhung. Đồng thời miễn nhiệm chức vụ người được uỷ quyền công bố thông tin kiêm người phụ trách quản trị công ty đối với bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh.
Cũng trong tháng 11/2023, Đầu tư tài sản Koji nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Trung Kiên vì bận việc cá nhân. Hồi tháng 8/2023, Đầu tư tài sản Koji đã thông qua bổ nhiệm ông Nguyễn Khánh Toàn làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật, thay thế ông Hoàng Văn Hậu. Đáng nói, ông Hậu rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật chỉ sau chưa đầy 4 tháng nhậm chức, thay cho Chủ tịch trước đó là ông Vũ Ngọc Hoàng.
Quý 3 "trắng" doanh thu, lãi sau thuế bốc hơi gần 81%
Theo tìm hiểu, Công ty CP Đầu tư tài sản Koji có tiền thân là Công ty CP Đầu tư tài chính Hoàng Minh, được thành lập ngày 4/6/2009. Doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở chính tại số 20-22-24 Đông Du, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM; hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Như đã thông tin ở trên, dù có nhiều biến động tại các vị trí lãnh đạo, thế nhưng kết quả kinh doanh của Đầu tư tài sản Koji cũng không mấy khả quan. Theo báo cáo tài chính quý III/2023, Đầu tư tài sản Koji không ghi nhận doanh thu thuần và là quý thứ 2 liên tiếp không phát sinh doanh thu. Doanh nghiệp báo lãi sau thuế chỉ đạt 5 tỷ đồng (chủ yếu đến từ doanh thu hoạt động tài chính), giảm 80,75% so với cùng kỳ.
Giải trình về nguyên nhân lãi sau thuế sụt giảm mạnh, Đầu tư tài sản Koji cho biết, quý III/2022 công ty có ghi nhận doanh thu từ chuyển nhượng cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm. Tuy nhiên, trong quý III/2023 công ty đã phải trích lập dự phòng rủi ro khoản đầu tư vốn vào công ty liên kết này. Do đó, chỉ tiêu về lợi nhuận quý III/2023 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Đầu tư tài sản Koji đạt doanh thu thuần chỉ đạt vỏn vẹn 1 tỷ đồng (cùng kỳ không ghi nhận); lợi nhuận sau thuế 9 tháng ghi nhận đạt gần 24 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của Đầu tư tài sản Koji đạt gần 832 tỷ đồng, tăng 3% so với hồi đầu năm. Trong cơ cấu tài sản, phần lớn tài sản của công ty đang nằm dưới dạng các khoản đầu tư tài chính dài hạn.
Trong đó, 344 tỷ đồng (tăng 200 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng tăng 139%) vốn được đầu tư góp vốn cho các công ty liên kết bao gồm: Công ty CP TTC Deluxe Sài Gòn với 144 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Châu Việt với 200 tỷ đồng (tỷ lệ sở hữu 50% vốn). Ngoài ra, công ty cũng đang đầu tư 69 tỷ đồng trái phiếu của Công ty CP Đầu tư Nông nghiệp sạch Phú Sơn và 86,4 tỷ đồng trái phiếu của Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu.
Bên kia bảng cân đối kế toán, về phía nguồn vốn, tại ngày 30/9/2023, vốn chủ sở hữu của Đầu tư tài sản Koji đạt hơn 815 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ hơn 608 tỷ đồng; công ty còn khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 164,5 tỷ đồng.
Kết thúc 9 tháng năm 2023, nợ phải trả của Đầu tư tài sản Koji ghi nhận hơn 16 tỷ đồng, tăng 33% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm hơn 95% tỷ trọng cơ cấu nợ là thuế và các khoản phải nộp Nhà nước với hơn 15,6 tỷ đồng. Công ty hiện không có vay nợ tài chính.
Trong một diễn biến liên quan, trước đó, ngày 25/9/2023, Đầu tư tài sản Koji đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc phê chuẩn nội dung tại cuộc họp HĐQT định kỳ quý III/2023. Theo đó, công ty thông qua chủ trương tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào các tài sản, dự án có dòng tiền và tiềm năng gia tăng giá trị; đẩy mạnh thực hiện các thủ tục pháp lý dự án Khu đô thị phía Tây thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn để sớm đưa dự án vào triển khai đầu năm 2024.
Cùng với đó, HĐQT Đầu tư tài sản Koji cũng thông qua chủ trương nghiên cứu đầu tư loạt dự án như: Khu đô thị Minh Ngọc (tỉnh Bình Dương); Khu du lịch nghỉ dưỡng, dưỡng lão (xã Sơn Dương, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) với quy mô 78ha; và Khu đô thị tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.