Thịt heo bản luôn là món ăn ưa thích của nhiều người, là đặc sản không thể thiếu trong các quán ăn, nhà hàng. Những năm trở lại đây, mô hình nuôi heo bản trên cát đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi. Nắm bắt nhu cầu thị trường, mô hình nuôi heo bản trên cát đầu tiên ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã được người dân đầu tư thực hiện.
Nắm bắt được nhu cầu ưa thích sử dụng thực phẩm thịt sạch của thị trường, nhất là các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn huyện Lệ Thủy và những vùng phụ cận, chị Nguyễn Thị Huy ở thôn Liêm Tiến, xã Ngư Thủy Nam đã mạnh dạn đầu tư vốn để thực hiện mô hình chăn nuôi heo bản trên nền đất cát.
Trên diện tích hơn 200m2 đất cát trống dưới các cánh rừng keo, tràm ven biển, chị đầu tư gần 80 triệu đồng để tiến hành xây dựng hệ thống chuồng nuôi có lưới B40 quây xung quanh, mua con giống và phát triển nguồn thức ăn từ cây trồng.
|
Chị Nguyễn Thị Huy đang trộn bèo, rau chuối với cám gạo cho đàn heo ăn. |
Sau khi tìm hiểu kỹ thuật chăm nuôi từ nhiều kênh thông tin khác nhau, ban đầu chị chọn thả 8 con giống (gồm 7 con cái và 1 con đực) theo hình thức nuôi thả bán hoang dã với nguồn thức ăn hoàn toàn từ rau cỏ (bèo) tự nhiên, cám gạo, khoai, sắn và bột ghẹ biển khô, không sử dụng thức ăn công nghiệp và bột tăng trọng.
Song song với việc tích cực vệ sinh, tạo chỗ tắm nắng, ăn, ngủ và lót ổ đẻ cho heo, định kỳ chị tiến hành khử trùng chuồng trại, thực hiện tiêm các loại vắc xin cho đàn heo, như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả....Nhờ đó, sau 8 tháng, chị đã bắt đầu xuất bán lứa đầu tiên.
Nuôi heo bản ít chi phí, nhưng mang lại lợi nhuận kinh tế cao, nhanh thu hồi vốn. Địa bàn có lợi thế về mặt bằng chăn thả, điều kiện nuôi phù hợp, giống heo đưa từ rừng về nhưng rất thuần, phát triển nhanh lại có sức đề kháng và hệ miễn dịch tốt, ít khi bị bệnh. Từ đó, chị đã quyết định mở rộng thêm quy mô chăn nuôi. Từ chỗ nuôi chủ yếu để cung cấp con giống, chị đầu tư thêm nuôi heo bản lấy thịt cung cấp cho các quán ăn và nhà hàng trên địa bàn.
Đến nay, đàn heo của chị Huy có tổng cộng 35 con, mỗi năm heo mẹ sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 8-10 con, sau khoảng 1,5 tháng sẽ xuất bán con giống. Cùng với việc xuất bán con giống, gia đình chị còn cung cấp một lượng lớn nguồn thực phẩm thịt cho người dân trong vùng và các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện. Bình quân mỗi năm gia đình chị xuất chuồng gần 200 con heo, trừ các khoản chi phí, thu lãi trên 50 triệu đồng. Nhờ đó, nguồn thu nhập của gia đình được cải thiện.
Nhận thấy mô hình nuôi heo bản trên đất cát theo hộ gia đình của chị Huy mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, nhiều gia đình trên địa bàn xã Ngư Thủy Nam đã tìm hiểu, học hỏi, đầu tư vốn xây dựng chuồng trại, mua con giống để chăn nuôi.
Hiện, toàn xã đã có thêm 4 hộ phát triển mô hình này, tất cả đều mang lại kết quả khả quan. Việc chăn nuôi heo bản ngoài đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định còn góp phần tạo việc làm tại chỗ cho lao động gia đình, cung cấp một lượng phân bón đáng kể cho trồng trọt, từng bước giúp kinh tế phát triển, thoát khỏi đói nghèo, tạo một hướng đi mới trong chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn.
Chị Huy cho biết, mong muốn lớn nhất của chị và những hộ nuôi heo bản trên cát ở xã Ngư Thủy Nam là mô hình này sẽ được nhân rộng trên địa bàn 3 xã biển Lệ Thủy, đồng thời, các cấp chính quyền, đoàn thể cần hỗ trợ nguồn vốn, tạo kênh thông tin quảng bá để sản phẩm heo bản đến được với nhiều người hơn.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, chị Nguyễn Thị Thảnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngư Thủy Nam nhận xét, đây là mô hình mới được triển khai trên địa bàn xã, nhưng đã đạt được hiệu kinh tế cao, phù hợp với sức lao động của người phụ nữ. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nuôi heo. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động, giúp đỡ để có thêm nhiều hộ tham gia phát triển kinh tế theo mô hình này trên chính quê hương mình.