Thong thả nuôi ong ven biển, “bỏ lợn” 200 triệu/năm

Google News

Tận dụng nguồn lợi từ quần thể rừng ngập mặn kéo dài hơn 4km, gia đình anh Đặng Thanh Tùng ở Tp Hải Phòng) đã phát triển nghề nuôi ong ven biển với quy mô lớn.

Đam mê trên mảnh đất nghèo
Quê anh Tùng, nông dân chủ yếu thu nhập từ nghề đánh bắt tôm cá, đất đai nhiễm mặn cấy, trồng năng suất đều không được cao. Nhiều năm trước đó, một số gia đình đã không chịu được khổ, lần lượt vượt biển ra nước ngoài trái phép. Cuộc sống cũng chẳng ai giống ai, có người sướng, có người thì chẳng có đường về. Khi lớn lên, anh Tùng luôn suy nghĩ: Cứ chịu thương, chịu khó làm ăn thì ở đâu cũng có cuộc sống tốt, “người không phụ đất, đất chẳng phụ người” . Vậy nên, anh quyết định cùng gia đình ở lại bám trụ quê hương, bám trụ mảnh đất mặn mòi và bám biển làm ăn.
Thong tha nuoi ong ven bien, “bo lon” 200 trieu/nam
 Tận dụng nguồn hoa sú, vẹt nở quanh năm ở các cánh rừng ngập mặn ven biển Hải Phòng, anh Tùng đã nhân nuôi hơn 100 tổ ong lấy mật.
Năm 2011 trong một lần ra biển anh nhìn thấy trên những cây sú, cây vẹt ong, bướm từ đâu đến rất nhiều, lập tức trong đầu lóe lên một ý tưởng về việc nuôi ong lấy mật. Trước đó, anh cũng được nghe nói nhiều về nghề nuôi ong từ nhiều địa phương khác - một nghề được cho là hiệu quả kinh tế lớn với người nông dân. Anh lập tức đi tìm hiểu và bắt tay vào nuôi ong để tận dụng nguồn hoa vô tận của cánh rừng sú, vẹt ven biển.
Thời gian đầu bước vào nghề nuôi ong ven biển, mặc dù bản thân anh đã dày công đi đến nhiều nơi tìm hiểu về tập tính của từng loài ong để chọn giống phù hợp để mua về nuôi, nhưng do kinh nghiệm và kiến thức còn non nên trong quá trình nuôi anh cũng gặp nhiều khó khăn. Ong mắc một số bệnh nhưng không được xử lý kịp thời nên lượng mật không nhiều. Nhưng, với tinh thần ham học hỏi và quyết tâm cao, sau một thời gian dài anh Tùng đã chủ động được việc chăm sóc sức khỏe cho đàn ong. Anh quyết định dừng lại ở việc nuôi giống ong nội-là loài ong truyền thống ở nước ta. Đây là giống ong rất chăm chỉ, cần mẫn, chúng có thể bay xa từ 3- 4km để tìm phấn hoa. Đặc biệt, ong nội có khả năng chống chịu bệnh tốt, cho sản lượng mật ổn định, hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi ong phải tinh tế
Anh Tùng chia sẻ: Nghề nuôi ong không vất vả như các công việc lao động chân tay khác và ai cũng có thể làm được. Ong nuôi không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không tốn nhiều thời gian chăm sóc nhưng lại cần sự khéo léo, cẩn thận. Người nuôi phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của các đàn. Ong không nhiều bệnh nhưng chúng hay bị thối ấu trùng và bệnh tiêu chảy. Người nuôi cần phát hiện kịp thời để chạy chữa cho ong. Bên cạnh đó phải am hiểu đặc tính xây tổ, chia đàn của ong để cho hiệu quả như mong muốn.
Thong tha nuoi ong ven bien, “bo lon” 200 trieu/nam-Hinh-2
 Anh Đặng Thanh Tùng chọn nuôi giống ong nội. So với các giống ong ngoại, giống ong nội tuy cho năng suất, sản lượng mật kém hơn, nhưng sức đề kháng tốt, chăm chỉ, cần mẫn lấy phấn hoa làm mật.
Giống ong nội anh Tùng chọn nuôi mặc dù không cho mật nhiều như những giống ong ngoại nhưng mật ong lúc nào cũng sánh vàng, quay mật đóng vào chai để mấy năm vẫn giữ nguyên chất lượng, không có hiện tượng kết tinh đường dưới đáy chai.
Tận dụng lợi thế rừng ngập mặn sú, vẹt có hoa quanh năm nên sản phẩm mật ong của anh Tùng luôn sạch không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Trong suốt mười năm, sản phẩm mật của gia đình anh làm ra đến đâu tiêu thụ hết tới đó. Người này truyền người kia, các đại lý thuốc đông y, các cửa hàng thuốc gia truyền nhiều khi chẳng có hàng mật ong hoa sú, vẹt để bán. Thấy việc nuôi ong mang lại nhiều giá trị cho nông dân vùng ven rừng ngập mặn, anh Tùng tiếp tục học hỏi áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật nhân đàn, tạo ong chúa theo ý muốn của mình không phụ thuộc vào tập tính di truyền cũ của ong.
Hiện nay, anh Tùng đang nuôi ong lấy mật và nhân giống với hơn 100 đàn ong , mỗi năm cung cấp ra thị trường 300- 450 lít mật với giá bán là 250 nghìn đồng / lít. Gia đình anh Tùng có thu nhập từ bán mật ong mỗi năm khoảng 200 triệu đồng, chưa kể thu nhập từ việc nhân đàn ong giống cung ứng cho các hộ nuôi khác với giá từ 5- 700.000 đồng/ đàn.

Ông Nguyễn Văn Vơi- chủ tịch Hội Nông dân huyện Kiến Thụy khẳng định: “Nghề nuôi ong của gia đình anh Tùng là một trong những mô hình tiêu biểu của địa phương, được coi là hướng đi đúng đắn và bền vững. Tới đây huyện sẽ định hướng cho các hộ gia đình phát triển mở rộng nghề nuôi ong thuộc các xã có nguồn hoa phong phú, từ đó cải thiện thu nhập cho nông dân”.


Theo Thu Thủy/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)