Cụ thể, các doanh nghiệp cho biết ngay khi ngành F&B đang dần hồi phục thì lại "lảo đảo đứng không vững" vì liên tiếp các quận, huyện ở TP Hà Nội cấm bán hàng tại chỗ.
Theo các chủ doanh nghiệp, việc hạn chế bán hàng tại chỗ khi dịch mới ở cấp độ 3 là chưa đúng với Nghị quyết 128. Họ kiến nghị UBND TP Hà Nội có ý kiến chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ theo Nghị quyết này.
Những quy định này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong phục hồi kinh doanh mà còn kéo theo hệ lụy cho người lao động và toàn ngành kinh tế.
Xét ở góc độ người lao động, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy gần 40% lao động cả nước làm việc trong ngành dịch vụ (bao gồm du lịch, khách sạn, F&B).
|
Các doanh nghiệp F&B cho rằng việc hạn chế bán tại chỗ kéo theo nhiều hệ lụy. Ảnh: Nhật Sinh.
|
Riêng nhân sự ngành F&B, theo VCCA, chiếm khoảng 10% dân số. Khi chỉ cho phép bán mang về, trong trường hợp những hàng quán không thể vận hành theo mô hình này, người lao động sẽ mất việc làm và thu nhập.
Còn đối với thành phố, ngân sách sẽ bị ảnh hưởng do doanh nghiệp không thể mở cửa kinh doanh. Chưa kể, việc cấm bán tại chỗ còn cản trở việc thu hút thực khách quốc tế, trong bối cảnh phục hồi du lịch.
"Việc cấm phục vụ tại chỗ không chỉ làm giảm độ hấp dẫn của ngành du lịch, mà còn làm du khách lo ngại nhiều hơn về mức độ an toàn và khả năng phòng dịch của nước ta khi đưa ra quyết định", các doanh nghiệp nhấn mạnh.
Do đó, các doanh nghiệp đề xuất UBND TP cân nhắc và xem xét các biện pháp hạn chế thực sự có hiệu quả, nâng cao thói quen phòng ngừa của người dân thay vì tạo thêm khó dễ.
"Việc đưa ra thời gian đóng cửa trước 21h cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bởi thời gian mở cửa kinh doanh quá ngắn, chưa đủ để thỏa mãn nhu cầu của thực khách", kiến nghị thư nói thêm.
Hiện nay, một số phường, quận ở Hà Nội chỉ cho phép hàng quán bán mang về. Với những địa phương cho phép phục vụ tại chỗ, thời gian mở cửa chỉ được kéo dài đến 21h.