|
Hoạt động cho vay tiêu dùng sau thời gian tăng trưởng nóng đang cần được quản lý chặt. Ảnh: GIA MIÊU.
|
Theo đánh giá của các chuyên gia có vẻ như nhà điều hành đang bắt đầu lo ngại về chất lượng tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng.
Tăng trưởng nóng
Tốc độ tăng trưởng của hoạt động cho vay tiêu dùng trong thời gian qua có thể thấy là khá “nóng”. Theo Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2017 do Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) công bố, cho vay tiêu dùng vẫn tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2015 với tốc độ tăng trưởng đạt 65%, trong khi năm 2016 là 50,2%. Trong khi đó, tín dụng năm 2017 ước tăng khoảng 18,7 - 19,3%, nhìn chung tương đương với mức 19% của năm 2016. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ qua đó nâng từ 12,3% lên 18%.
Trong đó, cho vay để mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng chính (52,9%) và tăng trưởng mạnh nhất tới 76,5%. Cho vay để mua trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại ước tăng lần lượt 6,5% và 35,2%. NFSC cũng đánh giá thị phần tín dụng tiêu dùng của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đã tăng mạnh từ 39% lên 45,7% cuối 2017. Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần và công ty tài chính lại giảm nhẹ tỷ trọng.
NFSC dự báo lĩnh vực này sẽ tăng trưởng cao và nhận định đây vẫn là một trong những mảng hoạt động "tiềm năng và chiến lược" của các TCTD. Với việc biên độ lãi suất cho vay tiêu dùng rất cao, đóng góp lợi nhuận rất lớn, nhiều ngân hàng đã tập trung đẩy mạnh mảng cho vay ở phân khúc này trong giai đoạn gần đây, kể cả những ngân hàng bán buôn. Hàng loạt công ty cho vay tiêu dùng mới trực thuộc ngân hàng đã được thành lập. Bên cạnh đó, nhiều thương vụ thâu tóm, mua lại các công ty cho vay tiêu dùng đã diễn ra.
Hiện nay, lãi suất cho vay đang giảm dần. Đặc biệt, lãi suất cho vay doanh nghiệp nói chung và các lĩnh vực ưu tiên nói riêng giảm nhanh theo định hướng của Chính phủ và NHNN. Để duy trì suất sinh lời như kỳ vọng, các ngân hàng buộc phải tăng cho vay ở những lĩnh vực có lãi suất cho vay cao như cho vay tiêu dùng, xem đây là một giải pháp để bù đắp, cân đối lại phần nào.
Sau một thời kỳ hạn chế mở rộng mạng lưới, gần đây NHNN đã cho phép các ngân hàng mở rộng mạng lưới nhanh hơn, đặc biệt là gia tăng sự hiện diện tại các vùng nông thôn để đảm bảo mục tiêu phát triển tài chính bao trùm đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Người dân tại các vùng nông thôn, vì vậy, có cơ hội tiếp cận các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng nhiều hơn.
Quản lý đường đi của đồng vốn
Thống đốc NHNN vừa có văn bản yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng; cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm (TSBĐ) để có biện pháp xử lý thích hợp. Đặc biệt, các ngân hàng phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.
Đây không phải lần đầu tiên NHNN đưa ra những cảnh báo các TCTD kiểm soát dòng tiền chảy vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Điều này cho thấy nhà điều hành thực sự rất chú trọng tới chất lượng phân bổ vốn của các TCTD trong từng lĩnh vực. Sự thận trọng của nhà điều hành đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng không chỉ đến từ yếu tố tăng trưởng quá nóng, mà còn từ thực tế phát sinh là gần đây các ngân hàng đã đưa các khoản cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà ở vào cho vay tiêu dùng, nhằm lách quy định hạn chế cho vay bất động sản.
TS Trương Huy Mai cho rằng, điểm cần lưu ý tại đây là các ngân hàng không thực hiện sai. Lấy ví dụ như một khách hàng tới vay ngân hàng 10 tỷ đồng để mua một bất động sản, nhưng không ở mà cho thuê hoặc trong tương lai sẽ bán đi. Điều này có nghĩa là kinh doanh bất động sản, nên đáng lý ra phải được xét vào tín dụng bất động sản.
Nhưng theo quy định hiện hành nếu khách vay không dùng thu nhập từ kinh doanh bất động sản như miếng đất, căn hộ đó để trả nợ, mà lấy từ nguồn thu khác thì món cho vay đó không phải là kinh doanh bất động sản mà được xem là tiêu dùng. Đó là điểm chưa rõ ràng, liên quan tới sự phân loại ngay từ đầu, dẫn tới khó quản lý.
Ngoài ra, việc xếp các khoản vay mua, xây hay sửa nhà vào cho vay tiêu dùng cũng phần nào giúp ngân hàng tránh được việc trích lập dự phòng rủi ro cao khi hệ số rủi ro với cho vay bất động sản hiện đã lên 200% từ 1.7.2017, gấp đôi cho vay thương mại thông thường.
Giám đốc một NHTM CP cũng đưa ra nhận xét, hiện nay, tín dụng tiêu dùng có rất nhiều khái niệm khác nhau nên rất dễ dẫn đến việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích. Trước tình hình tăng trưởng khá nóng của thị trường địa ốc, chứng khoán… bản thân ngân hàng cũng rất cảnh giác đối với vấn đề này. Điều mà ngân hàng lo nhất là sau đợt sốt giá thị trường rất dễ rơi vào trạng thái đóng băng, giảm giá mạnh. Song thực tế, chỉ một mình ngân hàng không thể kiểm soát hết được dòng chảy vốn.
Ví dụ như ngân hàng cho vay một khách hàng kinh doanh sắt thép và đã kiểm soát đúng mục đích là họ mua nguyên liệu sắt thép. Nhưng đến công đoạn thứ hai của DN này, sau khi sản xuất thành phẩm sắt thép họ bán cho đại lý phân phối. Đến đây khâu kiểm soát vốn ngân hàng gặp khó. Vì không loại trừ khả năng đại lý này khi chưa đến hạn thanh toán đã mang tiền đi đầu tư chứng khoán, bất động sản…
Nếu thị trường ổn, đến hạn thanh toán thì họ trả đầy đủ vì kiếm lời được. Nhưng nếu thị trường đóng băng, họ không bán được hàng hoặc bán lỗ, không đủ tiền trả nhà cung cấp là khách hàng của ngân hàng. Đến lúc đó, DN vay vốn ngân hàng chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong trả nợ. Đó là hiệu ứng dây chuyền. Nên đối với người làm ngân hàng tất cả các loại cơn sốt đều đáng sợ.
"Do đó, tôi cho rằng chỉ đạo và lo lắng của NHNN là hoàn toàn chính xác nên các ngân hàng phải rà soát lại hoạt động cho vay tiêu dùng", vị giám đốc trên cho biết.
Chính vì vậy, công văn mới ban hành của NHNN cũng yêu cầu các TCTD không những phải nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ mà còn phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhằm đề phòng trường hợp thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Việc thị trường bất động sản, chứng khoán tăng trưởng nóng, có tốc độ sinh lợi cao trong thời gian qua có thể thu hút mọi nguồn vốn tập trung vào các kênh tài sản này, từ đó bong bóng tài sản được bơm dần lên. Đây là điều rất nguy hiểm.