Vạch những mánh lới của tín dụng đen đưa người vay vào tròng

Google News

Hiện nay, rất nhiều người tiêu dùng vay nợ rơi vào cảnh lao đao khi có sự nhập nhằng giữa tín dụng tiêu dùng và tín dụng đen.

Đây chính là chủ đề “nóng” được bàn luận sôi nổi tại hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng: Thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 13/7.
Trót ký hợp đồng vay tiêu dùng với lãi suất “cắt cổ”
Hiện nay, các hình thức cho vay tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam đang xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người tiêu dùng. Từ việc cho vay thiếu trách nhiệm đến việc cung cấp thông tin sai lệch, đánh lạc hướng người tiêu dùng... đã khiến nhiều người rơi vào cảnh khốn đốn.
Ảnh minh họa. 
Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết thời gian qua cơ quan này đã nhận được rất nhiều phản ánh, khiếu nại về việc trót ký hợp đồng vay tiêu dùng với lãi suất “cắt cổ”, chiếm tới 80% các khiếu nại về lĩnh vực tài chính.
Ông Tuấn lấy ví dụ trên nhiều cột điện bên đường dán giấy giới thiệu cho vay không cần thế chấp, chỉ cần gọi điện là vay được ngay. Kết quả là, rất nhiều gia đình đã phải bán cả nhà khi tham gia những vụ việc cho vay gian trá, hay còn được gọi là tín dụng đen như thế này.
Theo ông Hồ Tùng Bách (Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh), dù được các công ty quảng cáo cho vay tiêu dùng với mức lãi suất 20 - 30%/năm, tương đương 2 - 3%/tháng, nhưng thực tế lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay ở mức cao nhất có thể lên tới 60 - 70%/năm, thậm chí trên 80%/năm.
Ông Bách cho biết các doanh nghiệp cho vay tiêu dùng hiện dùng rất nhiều mánh khóe, chiêu trò để dụ dỗ người tiêu dùng vay, như: cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác, cố tình gây nhầm lẫn và lừa dối thông tin về lãi suất, điều kiện, phí phạt hợp đồng…Thậm chí, khi ký kết hợp đồng tín dụng tiêu dùng, doanh nghiệp còn để trống mục lãi suất và điền sau đó. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp cho vay tín dụng còn bắt người tiêu dùng khai thông tin những người thân trong gia đình để phòng trường hợp nợ quá hạn, họ sẽ đến dọa nạt để đòi nợ.
"Nếu như trước đây cho vay tiêu dùng tập trung vào những sản phẩm có giá trị nhỏ, như: xe máy, ti vi, tủ lạnh… thì gần đây không ít ngân hàng quảng bá rầm rộ cho vay mua cả ô tô. Với những trường hợp này, khi cơ quan chức năng nhận được khiếu nại thì hầu hết những người tiêu dùng đã ký hợp đồng với lãi suất cao cắt cổ rồi", ông Bách lo ngại chỉ ra.
Bàn về nguyên nhân, bà Đinh Thị Thanh Nhàn (Khoa Kinh tế Luật, Trường Đại học Thương mại Hà Nội) cho biết do hiện nay hệ thống pháp luật chưa có quy định riêng cho vay tiêu dùng, vì vậy toàn bộ vấn đề cho vay tiêu dùng lại đều dựa vào quy định chung tại Luật Tổ chức tín dụng. Tại luật này, các phần liên quan tới giới hạn, hạn mức, thủ tục cho vay đối với các ngân hàng, công ty tài chính đã quá lạc hậu đối với cho vay tiêu dùng.
"Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng Dự thảo về hoạt động tiêu dùng cho các công ty tài chính để yêu cầu các tổ chức tín dụng thành lập công ty tài chính nếu muốn cho vay tiêu dùng, đồng thời đáp ứng được các quy định để đảm bảo tính xác định lãi suất, tính minh bạch cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay, thông tư này chưa được thông qua. Theo quy định lãi suất trần quy định cho vay tiêu dùng là 20% mỗi năm, nhưng trên thực tế, con số này đã nhảy vọt lên tới 80%. Tình trạng này hiện nay rất báo động, cần được chấn chỉnh ngay lập tức", bà Nhàn đề xuất.
Giải pháp bảo vệ người tiêu dùng
Bàn về giải pháp trước thực trạng này, các chuyên gia có mặt tại hội thảo cho rằng trước hết điều quan trọng nhất là người tiêu dùng phải nhận thức được quyền lợi của mình và hành xử như người tiêu dùng thông minh.
Cùng với đó, Nhà nước cần phải xây dựng khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng; minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng. Người tiêu dùng cần được tiếp cận dịch vụ tư vấn, hỗ trợ thông tin về tín dụng tiêu dùng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm giám sát và quản lý của mình.
Đối với các công ty cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng, cần phải công khai quy trình ký kết và thực hiện hợp đồng để khách hàng biết; thống nhất với khách hàng về các nội dung, điều khoản quan trọng như lãi suất, cách thức trả nợ, điều kiện trả nợ sớm, công khai quy trình tiếp nhận và giải quyết phản ánh, khiếu nại của khách hàng.
Đối với những trường hợp đã trót "bút sa gà chết", bà Phạm Quế Anh, chuyên gia của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) kiến nghị các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cần thanh tra, kiểm tra, chỉnh đốn ngay các hành vi sai trái; yêu cầu bên cho vay, bán hàng phải hoàn trả các khoản phí quá cao, vượt quá quy định; dỡ bỏ các quảng cáo gây nhầm lẫn; phạt, công bố vi phạm công khai, bắt bồi thường thiệt hại hay thu hồi giấy phép kinh doanh của các tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật.
Mời quý độc giả xem video Tên trộm liều lĩnh (nguồn Youtube):
Theo Một Thế Giới

Bình luận(0)