Khi dư luận chưa kịp lắng những bức xúc về việc phải cõng lãi vay ngân hàng cho dự án nhà máy nước mặt sông Đuống và câu chia sẻ trên trang cá nhân của Shark Liên với nội dung “Bạn sẽ không bao giờ đạt đến đích nếu bạn cứ dừng lại và ném đá vào mỗi con chó trên đường, chỉ vì tiếng sủa của chúng!” thì hình ảnh bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Aqua One đánh golf trước bể lắng của nhà máy nước mặt sông Đuống một lần nữa lại khiến dư luận xã hội dậy sóng.
Trả lời trên báo chí, bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Aqua One, đơn vị nắm cổ phần chi phối dự án nhà máy nước mặt sông Đuống, từng tuyên bố các công nghệ sử dụng tại nhà máy này đến từ châu Âu. Theo đó, chất lượng nước theo tiêu chuẩn châu Âu, có thể uống trực tiếp tại vòi và sạch hơn nước đóng chai.
Tuy nhiên, mới đây hình ảnh bà Đỗ Thị Kim Liên đánh golf trước bể lắng của nhà máy nước mặt sông Đuống khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Cụ thể, vào ngày 14/10, trên Fanpage của mình, Shark Liên đã đăng tải những hình ảnh chơi golf tại sân tập được xây dựng ngay bên cạnh hồ chứa nước của nhà máy nước mặt sông Đuống. Đáng chú ý, những quả bóng golf này được đánh thẳng xuống bể lắng của nhà máy nước mặt sông Đuống.
Việc xây dựng sân tập golf của Shark Liên trong một dự án nhà máy nước sạch có đúng không? Việc này có nguy cơ gì với nguồn nước? Chất lượng nguồn nước sẽ thế nào khi những quả bóng kia rơi xuống nước rồi lại được vớt lên?
|
Hình ảnh Shark Liên trước sân tập golf đang gây "bão" trên mạng xã hội |
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, không có bất kỳ văn bản nào của Hà Nội khi chủ trương đầu tư nhà máy nước mặt sông Đuống cho phép xây dựng sân tập golf hay bất cứ công trình nào nào khác trong dự án. Vậy việc chủ đầu tư dự án thiết kế thêm sân tập golf trong nhà máy nước sạch có được gọi là xây dựng sai thiết kế không?
Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Trần Đức Hạ, Giảng viên cao cấp Bộ môn Cấp thoát nước, ĐH Xây dựng, cho biết trong quy hoạch, chủ trương đầu tư các dự án nước sạch, không có bất cứ địa phương nào cho phép xây dựng công trình khác có nguy cơ gây ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước. Theo đó, khi xây dựng nhà máy nước, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước sẽ được xác định rõ ràng.
“Các công trình khác nếu được xây dựng gần hành lang cần tính toán khoảng cách an toàn. Nếu là khu vực lấy nước thô, bể lắng, khu xử lý nước… thì đây là phạm vi quan trọng, thuộc hành lang bảo vệ nguồn nước. Vì vậy, tất cả các công trình khác không được phép xây dựng tại đây”, PGS.TS Trần Đức Hạ nói.
PGS.TS Hạ cho biết, xu hướng xây dựng sân golf trên thế giới là ở những khu vực xa dân cư, đất canh tác không còn hiệu quả. Đặc biệt, sẽ tránh xa nguồn nước như sông suối, ao hồ. Bởi đây là những vị trí rất nhạy cảm rất dễ gây ra các vấn đề về môi trường.
“Sân tập golf được xây dựng trước bể lắng là đã vi phạm đến hành lang bảo vệ nguồn nước. Cho dù công trình này không nhằm mục đích thương mại thì cũng cần nghiêm cấm. Bởi an ninh nguồn nước tại đây có thể bị ảnh hưởng”, ông Hạ nói.
Theo tìm hiểu của PV, đã có rất nhiều sân golf Việt Nam đang trong tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước, đời sống của người dân. Các khu dân cư này thường phải sống trong cảnh khốn khổ không chỉ mùi thuốc trừ sâu mà trồng trọt, chăn nuôi cũng rất khó khăn do nguồn nước bị ô nhiễm.
Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), trên mỗi héc ta sân golf phải sử dụng trung bình một lượng hóa chất gấp 3 - 5 lần số hóa chất cho một khu đất canh tác nông nghiệp tương tự.
Ở một số quốc gia vùng Đông Nam Á, người ta ước tính mỗi sân golf tiêu thụ khoảng 1,5 tấn hóa chất mỗi năm. Số hóa chất này sẽ ngấm xuống đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Không chỉ vậy, một số sân golf còn trừ sâu bằng máy phun đã phát tán 90% độc chất vào không khí.
Được biết, cách đây vài năm, UBND TP Hà Nội có công văn xin ý kiến Bộ NN-PTNT về chủ trương làm sân golf ngoài đê sông Đuống. Sân golf này có diện tích dự kiến lên đến 291 ha, đi kèm một số hạng mục như bể bơi, khu tập gym, tennis, nhà điều hành... với tổng mức đầu tư 1.368 tỉ đồng.
Đề xuất này vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nhà khoa học. Lý do là bởi, xây dựng sân golf nằm ngoài đê sông Đuống là vi phạm luật Đê điều ảnh hưởng đến việc thoát lũ. Quan trọng hơn, việc sử dụng một lượng lớn hóa chất để chăm sóc cỏ sân golf sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước khu vực hạ lưu, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Trước những hình ảnh về sân tập golf trong nhà máy nước mặt sông Đuống và Shark Liên đang đánh golf, dư luận đặt câu hỏi, liệu chi phí xây dựng sân tập golf này có nằm trong giá trị dự án 5.000 tỷ đồng, trong đó với 4.000 tỷ vốn vay ngân hàng?