Chiều 28/6, Cổng thông tin Điện tử của Bộ VHTT&DL đưa tin, Cục Văn hóa cơ sở vừa có Công văn gửi các Sở VHTT&DL, Sở VHTT các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola.
Nội dung công văn nêu rõ: "Hiện nay nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam”. Theo đó, cụm từ "Mở lon Việt Nam" của Coca-Cola bị cho là có dấu hiệu quảng cáo thiếu thẩm mỹ, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và Khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo".
Để kịp thời xử lý và chấn chỉnh hoạt động quảng cáo nêu trên, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở VHTTDL, Sở VHTT: Kiểm tra, rà soát hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo Coca-Cola đã tiếp nhận và yêu cầu chỉnh sửa cụm từ "Mở lon Việt Nam"; yêu cầu tháo dỡ sản phẩm quảng cáo trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo… đối với quảng cáo trên phương tiện bảng, băng-rôn.
Coca-Cola hứng “gạch đá” vì bị nghi quảng cáo ma túy
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, năm 2014, Coca-Cola tung ra một chiến dịch quảng cáo mới cho đồ uống ăn kiêng Diet Coke.
|
Quảng cáo của Cola-cola bị nghi quảng cáo ma túy. |
Chiến dịch khởi động vào kỳ Thế vận hội Olympic Sochi bằng một đoạn clip trong đó ca sỹ Taylor Swift uống một ngụm nhỏ Diet Coke và nói: “Chơi thôi” ("You're on"), sau đó lên sân khấu biểu diễn.
Đoạn clip của chiến dịch quảng cáo dường như vô hại, nhưng phiên bản in thì gây hàng loạt tranh cãi và nhận về đủ các chỉ trích từ khách hàng và giới phê bình.
Coca-Cola bố trí banner trên đường phố mỗi địa phương, nội dung các banner thay đổi theo văn hóa và đặc điểm của từng bang, nhưng có chung cấu trúc là: Một câu dài, tiếp kết thúc bằng hai câu ngắn “You’re on. Diet Coke”.
Chẳng hạn banner chạy trên đường phố Manhattan thượng lưu có nội dung: “Bạn đến New York mang theo đĩa nhạc, microphone và một nghệ danh DJ thật ngầu. Chơi thôi. Diet Coke”.
|
Từ “Coke” trong tiếng Anh cũng có nghĩa là thuốc phiện. |
Vấn đề ở chỗ từ “Coke” trong tiếng Anh cũng có nghĩa là thuốc phiện, và cách Coca-Cola sắp chữ banner đang mang đến hiểu nhầm.
Nhìn biển quảng cáo nào, ai cũng sẽ đọc nhầm thành “You’re on Coke” (Tạm dịch: “Bạn đang hít thuốc phiện”)
Chính vì điều này mà nhiều chuyên gia rằng Coca-Cola không nên chọn cách quảng cáo này, nó khiến khách hàng hiểu lầm là hướng tới sử dụng cần sa.
Quảng cáo Giáng sinh gây hiểu nhầm
Không lâu sau "phốt" nói trên, năm 2015, một clip quảng cáo của Coca Cola tại Mexico gây bất bình trong dư luận.
Cụ thể, trong clip, một nhóm thanh thiếu niên da trắng đã có hành động đẹp khi mang những chai Coca Cola đến một ngôi làng hẻo lánh, đồng thời cho xây dựng cây thông Noel tại quảng trường trung tâm làng. Đoạn cuối của video kết thúc bằng câu “Hãy mở rộng trái tim”.
|
Quảng cáo Giang sinh của Cola-cola gây hiểm nhầm. |
Tuy nhiên, đoạn quảng cáo trên đã khiến nhóm hoạt động nhân quyền địa phương phẫn nộ khi cho rằng Coca Cola có ý quảng bá chủ nghĩa thực dân hơn là sự bao dung.
Sau khi đoạn clip trên được đăng tải trên Youtube khoảng 1 tuần và gây nhiều tranh cãi, Coca Cola đã gỡ video này xuống.
Mời độc giả xem video: Cách làm sườn nướng coca-cola. Nguồn: Yoututube.
Coca-Cola bị phản đối vì phân biệt chủng tộc
Đầu năm 2013, đoạn quảng cáo của Coca Cola đã được phát sóng trong giải Super Bowl – Giải siêu cúp bóng bầu dục Mỹ (sự kiện thể thao vào ngày chủ nhật lớn nhất nước Mỹ) bị đả kích vì có nội dung phân biệt chủng tộc.
Đoạn quảng cáo mở đầu bằng khung cảnh sa mạc khắc nghiệt, chỉ có cát – lạc đà – và nắng nóng – khô hạn. Cùng với đó là hình ảnh một người đàn ông Ả Rập đang chậm chạp lê từng bước và dắt theo con lạc đà. Đột nhiên, hiện ra trước mặt anh ta là một chai Coca khổng lồ, bốc hơi mát lạnh. Bất ngờ, một nhóm cao bồi phi ngựa, một nhóm những tay đua có “máu mặt” lái những chiếc mô tô hầm hố, và một xe bus chở đầy những cô đào sành điệu, sexy cùng lao tới chai Coca kia. Tất cả cùng lao tới như vũ bão. Còn anh chàng người Ả Rập thì vẫn ỳ ạch với con lạc đà.
|
Quảng cáo của Cola-cola khiến nhóm người Mỹ gốc Ả Rập phẫn nộ. |
Sau khi đoạn quảng cáo được tung ra, một nhóm người Mỹ gốc Ả Rập đã ngay lập tức phản đối. Họ tỏ thái độ tức giận vì cho rằng quảng cáo Coca Cola đã quy kết người Ả Rập luôn ỳ ạch, lỗi thời, lạc hậu…., chỉ giống những con lạc đà chậm chạp.
Không chỉ có vậy, trong những giây cuối cùng của quảng cáo, Coca đã đưa ra bảng dự đoán người giành chiến thắng trong cuộc rượt đuổi này. Và họ yêu cầu khán giả bình chọn online cho nhân vật có khả năng về đích trong cuộc đua. Điều đáng nói là trong bảng bình chọn lại không có người đàn ông Ả Rập. Điều này càng làm những người Ả Rập bất bình, lên án và thậm chí là phẫn nộ hơn.