Nóng ngành logistics
Tại một hệ thống kho lạnh, nhiệt độ chuẩn luôn dưới 2 độ C. Kho lạnh được chia làm 4 hệ thống kho (từ 1 đến 4) vận hành hoàn toàn tự động. 14 robot và hệ thống xe nâng nhận, xếp hàng trực tiếp từ container vào kho và ngược lại. Một con robot bốc, xếp trong một giờ được 1 container 40 fits.
Sự gia tăng khối lượng nhập khẩu thịt bò, thịt lợn, thịt gà và các sản phẩm liên quan cũng như xuất khẩu hải sản là những yếu tố chính dẫn đến hiệu quả tốt của dịch vụ vận chuyển lạnh. Với tình hình dịch bệnh bất ổn, ngày càng nhiều khách hàng chọn cách đi chợ online, thúc đẩy nhu cầu kho trữ lạnh cho thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác.
Nhưng động lực thúc đẩy ngành kho vận lạnh không chỉ có vậy mà còn là sản phẩm chăm sóc sức khoẻ đặc biệt, nổi bật nhất chính là vắc-xin phòng chống Covid-19 và các loại vắc-xin khác trong tương lai.
|
Vận chuyển. lưu trữ lạnh nhiều tiềm năng |
Đại diện JLL cho hay, các nhà đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế đã nhắm đến mảng chuỗi lạnh từ lâu, họ đang cần nhiều kho lạnh có vị trí gần khách hàng hơn để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cho loại sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ như mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm,...
Theo khảo sát của Euromonitor, chỉ tính riêng thị trường thực phẩm cần vận chuyển lạnh trong ngành bán lẻ cũng đã đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Nếu tính luôn các loại dược phẩm chăm sóc sức khỏe phụ thuộc vào chuỗi cung ứng lạnh, quy mô này có thể lên đến gần 10 tỷ USD vào năm 2020, chưa kể lĩnh vực thủy, hải sản. Như vậy, tiềm năng thị trường là rất lớn.
Hàng loạt tập đoàn lớn đã đầu tư cả trăm tỷ đồng vào các trung tâm lạnh quy mô lớn. Vietnam Holding Limited - một quỹ đầu tư được quản lý bởi Dynam Capital, Ltd - đã chi 139,8 tỷ đồng để trở thành trái chủ duy nhất trong đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi của CTCP Giải pháp thương mại A Ba (ABA Cooltrans).
A Ba cung cấp dịch vụ và các giải pháp trong lĩnh vực chuỗi cung ứng kho lạnh, sở hữu 300 xe tải đông lạnh và hơn 40.000 vị trí pallet kho lạnh tại Hà Nội và TP.HCM.
Tháng 6/2020, THACO đã đưa vào hoạt động kho lạnh trái cây tại cảng Chu Lai (Quảng Nam). Kho lạnh có diện tích 4.800 m2, sức chứa 2.400 tấn, gồm 3 phân khu: Khu vực nhập hàng và xuất hàng có 6 dock (bến/trạm) để xe container và xe sơmi rơ-moóc thùng lạnh thực hiện nhận/xuất hàng. Khu vực đỗ xe chờ rộng rãi có thể đáp ứng số lượng 6 xe/lượt.
Tương tự, CTCP Hùng Vương (HVG) vừa đưa vào vận hành kho lạnh tại khu công nghiệp Tân Tạo (Bình Tân, TP.HCM). Được xây dựng trên diện tích gần 4ha, tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng, kho được lắp đặt 60.000 pallet, sức chứa từ 60.000-70.000 tấn hàng hóa.
Theo HVG, đây là kho lạnh lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, đứng thứ hai thế giới về công suất thiết kế (chỉ sau kho lạnh ở Tây Ban Nha - công suất 65.800 pallet). Công ty còn đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư tiếp một kho khác ở cảng Hiệp Phước.
Hay Công ty Sao Ta cũng góp vốn thành lập CTCP Thực phẩm Khang An. Doanh nghiệp đã nhận được giấy phép đầu tư hệ thống kho lạnh 9.000 tấn tại các KCN thuộc tỉnh Sóc Trăng.
Trước đó, Thủy sản Minh Phú đã phối hợp với hãng vận chuyển quốc tế Gemadept thành lập liên minh Mekong Logistics với mục đích đầu tư phát triển chuỗi cung ứng lạnh và xây dựng kho lạnh có sức chứa 50.000 pallets.
Trên thị trường, một số quỹ tài chính quốc tế đầu tư vào hoạt động này, như quỹ của FinExpro đầu tư vào lĩnh vực kho lạnh tại ĐBSCL, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã thông qua khoản vay trị giá 70 triệu USD đầu tư vào ITL Corp để phát triển kho lạnh, kho dự trữ hàng hóa tại khu vực TP.HCM,...
Cung chưa đủ cầu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), công suất kho lạnh tại Việt Nam thực tế vẫn chưa theo kịp nhu cầu của ngành. Kho lạnh không chỉ là điều kiện cần để doanh nghiệp thu mua hết nguyên liệu tôm, cá nông dân sản xuất ra mà còn là mắt xích chính giúp doanh nghiệp tạo ra được nguồn hàng lớn, đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu khi nhu cầu thị trường tăng trở lại.
|
Nhiều rào cản để phát triển theo kịp nhu cầu |
Tuy nhiên, đầu tư vào ngành này không dễ dàng. Có nhiều lý do mà các doanh nghiệp đành phải bỏ qua miếng bánh béo bở này. Bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao mảng Thị trường JLL Việt Nam, cho biết, logistics đa phương thức và chuỗi lạnh dành cho các sản phẩm nhạy nhiệt như thực phẩm, mỹ phẩm hay vắc xin sẽ đòi hỏi các nhà cung ứng dịch vụ hậu cần không ngừng đổi mới và cải tiến quy trình cũng như công nghệ để không để vuột mất cơ hội hưởng lợi từ các phân khúc tăng trưởng rất nhanh này.
Chia sẻ thêm về việc đầu tư kho lạnh, đại diện một chủ đầu tư cho rằng, rào cản lớn nhất để đầu tư kho lạnh ở Việt Nam là chính sách. Hiện, chưa có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Trong khi, vốn trung và dài hạn ở Việt Nam rất cao so với nước ngoài nên việc cạnh tranh trong tương lai gần rất khó với nước ngoài.
Ghi nhận cho thấy, doanh nghiệp nước ngoài chiếm tỷ lệ thấp, nhưng trong 3 năm tới họ sẽ nắm giữ hơn 50% kho lạnh tại Việt Nam.
Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong tương lai, chuyên gia JLL nhận định, ngành hậu cần của Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức. Trước hết, để Việt Nam có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển logistics công nghiệp, trở nên cạnh tranh hơn và thậm chí đi trước các nước khác, cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào đầu tư cơ sở hạ tầng, cần chú trọng vào việc phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam, bao gồm cả thời gian và chi phí, vẫn cần cải tiến đáng kể. Chi phí giao dịch qua biên giới, như chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu, ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực.