“Người Hà Nhì gọi đây là cây a mi đa tè (bậc thang con mèo trèo), củ có giá 2 - 3 triệu đồng/kg đấy”. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi phát hiện ra đó chính là cây thất diệp nhất chi hoa, một loại dược liệu cực kỳ quý hiếm người vùng cao còn gọi là cây rắn cắn. Bất ngờ hơn nữa trong khu vườn nhỏ của anh Suy có tới hàng trăm cây rắn cắn cùng nhiều cây quý hiếm khác.
Khám phá khu vườn “rắn cắn”
Năm nào cũng vậy, mùa đông thường đến sớm hơn ở bản Hà Nhì cao nhất và xa xôi nhất xã Trịnh Tường (Bát Xát). Ngôi nhà đất nhỏ của anh Có Thó Suy nằm ở xóm trong cùng nhưng cao nhất thôn, cửa nhà hướng ra những tràn ruộng bậc thang tít tắp. Khi biết tin trên Lao Chải có gia đình người Hà Nhì đang sở hữu vườn cây thuốc quý, tôi phải nhờ Lý Xe Xa, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Trịnh Tường liên hệ trước để được vào tham quan khu vườn. Cách đây ít lâu, tôi đã tìm cách liên hệ với chủ nhân của khu vườn đặc biệt, nhưng mọi thông tin không được tiết lộ và không ai biết khu vườn quý ở đâu.
|
Anh Suy (phải ảnh) là chủ nhân vườn cây thuốc quý trị giá trăm triệu đồng. |
Uống xong mấy chén trà nóng cho ấm người, tôi được anh Suy dẫn đi thăm khu vườn quý. Không giống với hình dung của tôi và nếu anh Suy không nói thì tôi không thể biết khu vườn “rắn cắn” đang ở ngay trước mặt mình, ẩn trong đám chuối rừng cao vút kia. Vòng qua khu chăn nuôi gia súc, chúng tôi phải vất vả chui qua mấy lớp hàng rào mới vào được bên trong vườn. Anh Suy bảo sợ kẻ xấu vào nhổ trộm cây thuốc quý hoặc gia súc phá vườn nên anh phải rào kỹ, vườn không có cửa mà chỉ có một khe hẹp, phải nghiêng người mới lách vào được và cũng chỉ anh mới biết lối vào đây.
Lần đầu tiên được vào khu vườn quý trên núi Lao Chải, tôi không khỏi hồi hộp, nhưng khi vào trong vườn lại rất bất ngờ vì nhìn quanh chỉ thấy toàn… gốc chuối, không thấy cây thuốc quý đâu cả. Anh Suy cười bảo mùa đông lạnh, những cây rắn cắn to ra hoa xong rụng lá hết rồi, bây giờ đang nhú mầm xanh. Thật may trong góc vườn vẫn còn vài cây chưa rụng lá, nên tôi mới được tận mắt thấy cây rắn cắn đang ra hoa như thế nào. Quả thực cây này rất đặc biệt với 7 lá xòe ra, ở giữa là bông hoa màu tím, khi già trở thành đài hoa ôm lấy chùm hạt màu đỏ tươi như những viên bi son. Bới lớp đất dưới gốc cây, tôi thấy lộ ra thứ củ màu nâu đen nhiều đốt gần giống củ ráy. Đây chính là thứ củ quý hiếm mà nhiều người đang săn tìm, bán với giá bạc triệu.
Anh Có Thó Suy cho biết: Từ xưa, người Hà Nhì ở đây đã dùng củ cây này để chữa bệnh cho trẻ nhỏ khi bị ho, bị sốt cao, cảm cúm, bị mụn nhọt hoặc bệnh quai bị rất hiệu quả. Những người đi vào trong rừng sâu không may bị rắn cắn có thể lấy củ này giã nhỏ, đắp vào vết rắn cắn thì sẽ không bị nọc độc rắn ngấm vào máu, nên gọi là cây rắn cắn. Mấy năm gần đây, tôi còn nghe nói cây này ngăn ngừa được bệnh ung thư, vì thế người Trung Quốc thu mua nhiều lắm, trả giá rất cao. Năm 2019, tôi bán được hơn 50 triệu đồng từ củ rắn cắn. Năm nay tôi giữ lại để cây cho củ to hơn, chỉ bán lấy 20 triệu đồng mua sắm đồ đạc và quần áo cho các con đi học.
Nghe anh Suy trò chuyện, tôi nhớ lại lần đầu tiên biết đến loài cây đặc biệt này cách đây gần chục năm do lương y Phạm Văn Thanh (thành phố Lào Cai) giới thiệu. Hôm ấy, lương y Phạm Văn Thanh tự hào khoe mình tìm thấy và trồng thành công cây bảy lá một hoa là cây thuốc quý như nhân sâm, nên còn gọi là sâm nam, chữa được bệnh đau dạ dày, chế ngự được tế bào ung thư. Theo Đông y, cây thất diệp nhất chi hoa có vị đắng cay, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa sốt, trị mụn nhọt do nóng trong người, ho lâu ngày… Theo Tây y, loại cây này có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều loại vi khuẩn, như trực khuẩn lỵ, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, vi rút cúm, giảm ho, giảm đau, chống viêm… Điều đáng nói, các thành phần có trong cây bảy lá một hoa có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, góp phần tăng tuổi thọ của những bệnh nhân bị ung thư dạ dày và ung thư phổi trong một khoảng thời gian dài.
Nhân giống cây thuốc quý
Lần đầu được vào thăm khu vườn cây thuốc quý, tôi không dám tự đi mà theo sự hướng dẫn tỉ mỉ của chủ vườn. Bước chân vào vườn phải nhìn thật kỹ, bởi chỉ cần vô tình có thể dẫm gãy những mầm cây rắn cắn đang nhú lên. Khu vườn không chỉ có một vài cây rắn cắn, mà có tới cả trăm cây, thậm chí nghìn cây đang mọc lên, trong đó có những cây chục năm tuổi. Thêm một điều đặc biệt, cùng với cây rắn cắn, trong vườn còn rất nhiều cây tam thất hoang và cây lan kim tuyến, cũng là những loại dược liệu quý như vàng.
Khi được hỏi về nguồn gốc khu vườn này, anh Suy nhớ lại: Cách đây 8 năm, trong một chuyến đi vào rừng già, tôi phát hiện ở khe núi gần suối có nhiều cây bảy lá một hoa mọc lên. Hỏi người già trong thôn biết đây là cây thuốc quý rất có giá trị, nên tôi đã nhổ một số củ về trồng trong vườn chuối. Những năm sau đó, lần nào đi rừng may mắn gặp cây này tôi đều mang về. Những cây rắn cắn nhỏ mọc lên dần thành cây lớn và ra hoa, ra quả. Mỗi năm, gần Tết Nguyên đán là thời điểm cây rắn cắn bị rụng lá, còn quả rắn cắn già và tự tách ra, mỗi quả có tới hàng trăm hạt màu đỏ rơi xuống đất. Đến mùa xuân ấm áp, những mầm rắn cắn mới lại mọc lên, đầu cành xòe ra bảy chiếc lá xanh mơn mởn. Củ rắn cắn mỗi năm chỉ mọc được một đến hai đốt, nên những củ nặng 1 kg phải có cả chục năm tuổi.
|
|
Nói rồi, anh Suy khệ nệ bê từ góc vườn ra một chiếc khay nhựa, trong khay rất nhiều cây nhỏ đang mọc lên xanh tốt. “Đây toàn là cây rắn cắn cả đấy, ngày trước tôi hay để cây tự rụng hạt mọc lên, bây giờ đã ươm thành công hạt cây rắn cắn để nhân giống ra thật nhiều, cung cấp cây giống cho bà con trong thôn cùng trồng. Trong thôn hiện nay cũng có hai hộ trồng loại cây quý này rồi. Cây rắn cắn, cùng với tam thất hoang, lan kim tuyến chỉ mọc được ở nơi râm mát, có độ ẩm cao, nên tôi trồng thêm chuối rừng để giữ ẩm, tạo môi trường tự nhiên như ở trong rừng già, giúp cây phát triển tốt. Mấy năm qua, người Trung Quốc thu mua ráo riết, cây rắn cắn cũng bị săn lùng, nếu mình cứ bán hết đi lấy tiền, không nhân giống ra thì mai sau còn đâu thuốc quý chữa bệnh cho dân nghèo”, anh Suy bộc bạch.
Nhìn khu vườn nhỏ mấy chục mét vuông trị giá cả trăm triệu đồng của anh Suy, tôi băn khoăn chỉ với vài lớp hàng rào tre và lưới B40 liệu có ngăn được kẻ xấu vào nhổ trộm cây? Anh Suy bảo cách đây một năm cũng hai lần bị kẻ trộm đột nhập vào vườn nhổ mất 4 củ rắn cắn. Đó là mấy thanh niên ham chơi trong thôn lợi dụng lúc gia đình đi vắng, chui vào vườn nhổ củ rắn cắn mang lên chợ Y Tý bán lấy tiền chơi điện tử. Có lần tôi đuổi theo bắt được, cũng chỉ lấy lại củ về trồng và dọa cho chúng sợ lần sau không lấy trộm nữa. Mới đây, có hộ trồng cây rắn cắn sắp đến lúc thu hoạch cũng bị kẻ xấu vào đào mất chục củ, tính ra mất hơn 20 triệu đồng. Có vườn cây quý nên lúc nào cũng canh cánh lo bảo vệ. Nhà tôi nuôi hai con chó dữ, ban ngày thả trông nhà, ban đêm xích ngay ở vườn, chỉ cần nghe chó sủa là tôi bật dậy ngay đi kiểm tra một vòng quanh vườn.
Ngày cuối năm, trời Lao Chải vừa nắng mấy phút sau đã chuyển sương mù và rét như kim châm vào da thịt. Hôm nay người Hà Nhì rộn ràng tổ chức Tết Ga Tho Tho là tết cổ truyền tổng kết lại một năm sản xuất nông nghiệp, tạ ơn tổ tiên và thần linh, cầu cho năm mới mùa màng bội thu. Bữa cơm ngày Tết sớm, tôi ngồi bên bếp lửa trong ngôi nhà đất ấm cúng nghe anh Có Thó Suy kể về những chuyến vào rừng già tìm cây rắn cắn, tam thất hoang. Anh Suy rót chén rượu màu vàng sóng sánh từ cái bình thủy tinh cũ để từ lâu trong góc nhà bảo đây là rượu quý ngâm củ rắn cắn, uống vào không chỉ chữa được bệnh mà còn rất khỏe người. Mùi khói khen khét, hương rượu thơm nồng, cùng với vị đặc biệt của củ sâm bảy lá một hoa làm ai cũng lâng lâng như trên mây.