Kế hoạch kinh doanh năm 2021: Nhiều DN đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh

Google News

Nhiều doanh nghiệp đã rục rịch lên kế hoạch cho một năm kinh doanh mới 2021 sau khi vượt qua năm 2020 đầy sóng gió và khó khăn.

Kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ
Thế giới Di động (MWG) là một trong những doanh nghiệp đưa ra mục tiêu sớm nhất cho năm 2021. Theo đó, công ty của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài kỳ vọng năm tới đạt mức tăng trưởng 14% doanh thu thuần ở mức 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 4.750 tỷ đồng, tăng 38% so với kế hoạch đề ra trong năm 2020.
MWG cho biết, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế do ảnh hưởng từ đại dịch toàn cầu; trong đó ngành bán lẻ chịu những tác động bất lợi chưa từng có.
Điều này dẫn tới nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sụt giảm hoặc thậm chí không giữ được lợi nhuận. Trong bối cảnh đó, mặc dù không thể so sánh với mức tăng trưởng cao nhiều năm liền trước đây, công ty dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng dương cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế so với năm 2019.
Sang năm 2021, Ban lãnh đạo MWG nhận định thị trường còn nhiều rủi ro tiềm ẩn do tình hình dịch COVID-19 chưa hoàn toàn chấm dứt. Tuy nhiên, MWG quyết tâm trở lại đà tăng trưởng hai chữ số mặc dù không có nền so sánh thấp trong năm 2020 như các doanh nghiệp cùng ngành.
Hoạt động kinh doanh bán lẻ thiết bị di động và điện máy vẫn là trụ cột mang lại dòng tiền chính cho Công ty trong năm 2021 và kỳ vọng đóng góp khoảng 75% tổng doanh số của MWG.
Ngành hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu dự kiến tiếp tục tăng trưởng nhanh và giúp Bách hoá xanh nâng tỷ trọng đóng góp trong tổng doanh thu của MWG lên khoảng 25% năm 2021.
Với công ty ngành tôn thép của Chủ tịch Lê Phước Vũ, Công ty dự định tổ chức ĐHĐCĐ thường niên cho niên độ 1/10/2020-30/9/2021 vào cuối tháng 1 này.
Theo tài liệu, Hoa Sen (HSG) đặt kế hoạch tiêu thụ 1,8 triệu tấn sản phẩm, tăng 11% so niên độ trước, doanh thu thuần tăng 20% ở mức 33.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đặt mục tiêu ở mức 1.500 tỷ đồng, tăng 30%.
Để hoàn thành được các chỉ tiêu trên, Hoa Sen dự định sẽ phát triển hệ thống siêu thị vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home thông qua nâng cấp các cửa hàng truyền thống và mở mới trên toàn quốc.
Công ty cũng cho biết sẽ phát triển một số siêu thị Hoa Sen Home tại Miền Nam và Miền Trung (từ Quảng Bình trở vào). Sau khi Hoa Sen Home đi vào vận hành ổn định và có hiệu quả, tập đoàn sẽ lên kế hoạch cải tạo các cửa hàng truyền thống thành Hoa Sen Home, song song với việc mở mới chuỗi siêu thị này trên cả nước.
Ke hoach kinh doanh nam 2021: Nhieu DN dat muc tieu tang truong manh
 Kế hoạch 2021: Có tăng trưởng, có đi lùi.
Một công ty chăn nuôi lợn đặt kế hoạch tăng trưởng táo bạo cho năm tới là Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC). Theo đó, Dabaco đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 15.439 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 827 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 17% và 81% so với kế hoạch năm 2020.
Cũng trong năm nay, Dabaco sẽ thành lập Công ty TNHH MTV tại cụm công nghiệp Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động của công ty con này là sản xuất hạt nhựa, bao bì, cho thuê kho bãi...
Chưa dừng lại ở đó, Dabaco còn chủ trương thành lập một số công ty TNHH MTV để đầu tư và tổ chức hoạt động các dự án Khu chăn nuôi lợn công nghệ cao tại Thanh Hoá, Bình Phước với vốn điều lệ mỗi công ty khoảng 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, Dabaco cũng thành lập Công ty Thức ăn Chăn nuôi Bình Phước trên cơ sở tách ra Nhà máy thức ăn chăn nuôi từ Công ty TNHH Dabaco Bình Phước.
Nhiều doanh nghiệp đưa ra kế hoạch thụt lùi
Ngược lại, một số doanh nghiệp lại rụt rè đề ra kế hoạch cho năm sau đi lùi. Một trường hợp có thể kể đến là Kỹ Nghệ Lạnh (Searefico, SRF) công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp nhất năm 2021 với hầu hết các chỉ tiêu đều giảm hơn so với kế hoạch năm 2020.
Cụ thể, SRF đặt mục tiêu doanh số ký hợp đồng năm 2021 đạt 1.600 tỷ, giảm 36%; doanh thu thực hiện 1.350 tỷ, giảm gần 33% so kế hoạch 2020. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế đều giảm tới 50% khi lần lượt ở mức 50 tỷ và 43 tỷ đồng.
Ông chủ thương hiệu Vinasoy – Đường Quảng Ngãi (QNS) thì đưa ra kế hoạch cho năm 2021 với doanh thu tăng 17% ở mức 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 12% về mức 913 tỷ đồng.
QNS đặt kế hoạch đi lùi trong khi các công ty chứng khoán lại kỳ vọng về tiềm năng tăng trưởng của mảng đường mía trong tương lai. Trong một báo cáo phân tích về QNS, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng doanh thu tăng trưởng 7% trong năm 2021 và khoảng 5% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2023.
VCSC dự báo mảng sữa đậu nành sẽ quay về đà tăng trưởng doanh thu khoảng 5% cùng với biên lợi nhuận gia tăng. Dự báo doanh thu mảng sữa đậu nành giảm 7% trong năm 2020 (so với mức giảm 6% trong dự báo trước đây) do dịch COVID-19 tác động đến nhu cầu sữa đậu nành và các đợt lũ lụt gần đây tại miền Trung.
Sau năm 2020, VCSC dự báo doanh thu tăng trưởng 7% trong năm 2021 và khoảng 5% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2023, phù hợp với quan điểm nhu cầu sữa đậu nành tăng trưởng ổn định trở lại.
Dự báo lãi ròng sẽ ghi nhận CAGR 7% trong giai đoạn 2020-2023 chủ yếu nhờ sự phục hồi tiềm năng trong tiêu thụ sữa đậu nành (dự báo CAGR doanh thu 2020- 2023 đạt 6%) và ở một chừng mực thấp hơn là khả năng thời tiết quay trở lại mức bình thường sẽ hỗ trợ mảng đường.
Với Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), một doanh nghiệp thu về kết quả khởi sắc trong năm 2020 nhưng lại đưa ra kế hoạch sụt giảm trong năm tới. Cụ thể, DCM dự kiến đem về 7.839 tỷ đồng tổng doanh thu trong năm 2021, tức tăng 8% so năm 2020. Lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ đạt 197 tỷ đồng, chỉ bằng 30% so với số lãi ước tính năm 2020.
Ngoài ra, DCM cũng lên kế hoạch về sản lượng năm 2021. Cụ thể sản lượng sản xuất Đạm Cà Mau (Urê quy đổi) dự kiến đạt gần 860 ngàn tấn và NPK dự kiến đạt 155 ngàn tấn.
Theo ước tính của Công ty, sản lượng tiêu thụ ure năm 2020 ước 930,65 nghìn tấn, vượt 7% kế hoạch và tăng 16% so cùng kỳ năm 2019. Các mặt hàng tự doanh, sản phẩm mới và phế phẩm phụ trợ cũng ghi nhận khả quan với 1.135,42 nghìn tấn bán ra.
Sản lượng xuất khẩu năm 2020 đạt gần 300 nghìn tấn, trong đó thị trường Campuchia tăng 32% so với năm 2019, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Brasil...
Về doanh thu, do tận dụng lợi thế giá khí thấp, Phân bón Cà Mau tiết giảm chi phí giá thành, cộng với sản phẩm tiêu thụ tốt, giá hợp lý mang về doanh thu 7.256 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch đề ra và cao hơn 2019. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 657 tỷ đồng, tăng 29% so chỉ tiêu 2020 và tăng 43% so năm trước.
Anh Nhi

>> xem thêm

Bình luận(0)