Vốn sinh ra ở Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây nhưng lớn lên ở phổ cổ Hà Nội, ngay từ nhỏ, anh Nguyễn Hoàng Anh (Sn 1974) đã được tiếp xúc với nhiều đoàn khách du lịch đến thăm quan Hà Nội và thấy họ bỏ số tiền rất lớn để mua về những sản phẩm lưu niệm truyền thống.
Bộ sưu tập búp bê với trang phục dân tộc của anh Hoàng Anh được nhiều người thích thú, tìm mua.
Tuy nhiên, anh nhận thấy, những sản phẩm búp bê lưu niệm vẫn chưa được ưa chuộng khi búp bê bằng giấy, bằng len bị chất đống một chỗ trong quầy, không có khách hỏi mua.
Vì vậy, anh luôn ấp ủ việc phát triển mặt hàng quà lưu niệm từ búp bê mang đậm dấu ấn Việt Nam để phục vụ du khách nước ngoài.
“Tôi nhận thấy, nước mình có 54 dân tộc, mỗi dân tộc đều có những bộ trang phục đặc trưng rất đẹp. Vì vậy, tôi nghĩ ngay đến việc làm trang phục dân tộc cho búp bê”, anh Hoàng Anh chia sẻ.
Là người đầu tiên tại Việt Nam làm trang phục cho búp bê dân tộc, anh Hoàng Anh đã phải tự mình đi thực tế và sống cùng đồng bào vùng cao khoảng 2 năm để lấy chất liệu sáng tạo.
Trước khi bắt tay vào làm, anh Hoàng Anh dành ra 2 năm để đi thực tế tại các bản làng vùng cao để nghiên cứu từng loại trang phục của các dân tộc khác nhau, thu thập chất liệu sáng tác và sinh hoạt cùng bà con để hiểu thêm về ý nghĩa của từng họa tiết, sản phẩm.
“Mỗi dân tộc đều có nét hoa văn riêng rất độc đáo. Từ màu sắc, hình dáng, họa tiết đều mang đặc trưng riêng. Vì vậy, phải am hiểu sâu sắc nét văn hóa truyền thống của các dân tộc mới có thể làm nên những sản phẩm có hồn và có giá trị”, anh Hoàng Anh cho hay.
Nhờ đam mê với trang phục dân tộc cùng với sự khéo léo, sáng tạo, anh đã tạo ra những sản phẩm độc đáo không giống ai.
Thời gian đầu, anh đến tận nơi để cảm nhận đời sống của họ, nghe họ chia sẻ những câu chuyện dân gian, xem họ mặc truyền thống. Sau đó, anh lại đi thu thập những mảnh vải thổ cẩm, những cuộn chỉ hay những tấm lụa của chính đồng bào dân tộc mang về Hà Nội làm.
Năm 2011, anh bắt tay vào tự mày mò và chế tác các trang phục thu nhỏ.
Hơn 10 năm đam mê làm trang phục truyền thống cho búp bê, anh đã làm ra khoảng hơn 5.000 sản phẩm.
Để làm hoàn chỉnh một búp bê thu nhỏ, theo anh Hoàng Anh, bước đầu tiền là nghiên cứu trang phục, sau đó tạo phôi, tạo hình, vẽ mặt làm sao cho thật sống động và giống y như thật.
“Tôi phải trau chuốt tỉ mỉ từ gương mặt, cử chỉ, chất liệu vải, hoa văn trên váy hay những vật dụng gắn liền với đời sống thường nhật của họ như dép, khăn, mũ, đồ trang sức. Đơn cử như phụ nữ Dao có tới hơn 30 kiểu trang phục; phụ nữ Tà Ôi là thổ cẩm dệt cườm; phụ nữ H’Mông thường may váy nhiều tầng lớp và bôi sáp ong lên mặt vải rồi mới nhuộm màu…”, anh Hoàng Anh phân tích.
Từ bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và đam mê với những bộ trang phục truyền thống của các dân tộc, anh đã mang hơi thở đặc trưng của từng dân tộc vào từng sản phẩm của mình.
Mỗi bộ trang phục đều được anh tự tay làm tỉ mỉ từng chi tiết, nhiều khi làm không kịp bán.
Khi những mẫu búp bê dân tộc của anh được trình làng đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều khách du lịch ngoại quốc khi đặt chân đến Việt Nam. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền vài chục triệu đồng để sở hữu những sản phẩm độc đáo này.
“Tất cả những bộ trang phục búp bê đều được tôi may tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ một nên để hoàn thành một sản phẩm thường rất lâu. Nhiều khi tôi còn không làm kịp để trả đơn cho khách”, anh Hoàng Anh cho hay.
Mỗi sản phẩm hoàn chỉnh có giá từ 3-3,5 triệu đồng.
Ngoài ra, những sản phẩm búp bê dân tộc của anh còn được lựa chọn để bày bán tại các điểm du lịch hoặc ở quầy hàng lưu niệm tại sân bay với giá từ 3-3,5 triệu đồng/sản phẩm.
Không những thế, bộ sưu tập búp bê 54 dân tộc Việt Nam của anh đã được Quốc hội lựa chọn vào danh mục quà tặng Chính phủ và được nhiều khách du lịch yêu thích.
Sau hơn 10 năm lựa chọn con đường đi không giống ai, anh Hoàng Anh đã làm ra khoảng hơn 5.000 búp bê thuộc 2 cỡ 25cm và 35cm phục vụ thị hiếu và nhu cầu của khách du lịch khắp nơi trên thế giới khi đến với Việt Nam.
Nói về dự định trong tương lai, anh Hoàng Anh cho biết, thời gian tới, anh sẽ cố gắng cho ra đời nhiều mẫu búp bê với trang phục dân tộc hơn nữa để quảng bá sâu rộng vẻ đẹp của trang phục truyền thống đến với bạn bè quốc tế.
Dưới bàn tay tỉ mẩn và tài hoa của anh, những sản phẩm đã được hình thành với nét độc đáo riêng biệt.
Ngoài ra, anh sẽ hoàn thiện đầy đủ bộ búp bê 54 dân tộc Việt Nam và một số bộ trang phục khắc họa người dân vùng cao, thể hiện nét đẹp riêng của các dân tộc người Việt để mọi người biết rằng, trang phục truyền thống luôn đẹp và không thua kém gì các loại búp bê cao cấp của nước ngoài.