Hé lộ "tình hình kinh doanh" của MobiFone thời 5 lãnh đạo vừa bị khởi tố

Google News

(Kiến Thức) - Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu của MobiFone giai đoạn 2012-2018 giao động trong mức gần 13% đến hơn 21%. Trong đó, năm 2015 dù doanh thu sụt giảm nhưng tỷ suất lợi nhuận lại đạt mức cao nhất, còn 2017 lại ở mức thấp nhất.

Mở rộng điều tra vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với 5 lãnh đạo MobiFone gồm: ông Nguyễn Đăng Nguyên, phụ trách chức danh Tổng giám đốc MobiFone (trước đây là Phó tổng giám đốc trong giai đoạn MobiFone mua AVG).

Và các phó Tổng giám đốc: Nguyễn Bảo Long, Hồ Tuấn, Nguyễn Mạnh Hùng; và bà Phan Thị Hoa Mai, thành viên Hội đồng thành viên MobiFone. Cả 5 bị can này đều bị khởi tố về tội vi phạm quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, gây hậu quả nghiêm trọng (theo điều 220 bộ luật Hình sự 2015), với vai trò đồng phạm.

Vậy dưới thời các vị lãnh đạo này, MobiFone hoạt động ra sao?

Theo số liệu cho thấy, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu của MobiFone giai đoạn 2012-2018 giao động trong mức gần 13% đến hơn 21%.

Trong đó, năm 2015 dù doanh thu sụt giảm nhưng tỷ suất lợi nhuận lại đạt mức cao nhất, còn 2017 lại ở mức thấp nhất.

Kết quả kinh doanh của MobiFone giai đoạn 2012-2018 và kế hoạch 2019 (tỷ đồng)

He lo
 
Giai đoạn năm 2014 trở về trước, MobiFone vẫn đơn thuần là đơn vị cung cấp Thông tin di động với lợi nhuận trước thuế ghi nhận mức tăng trưởng đều đặn qua các năm 2012-2014 dù doanh thu đi lùi.

Bắt đầu từ năm 2015, MobiFone mới phát triển thêm lĩnh vực Phân phối và bán lẻ bên cạnh mảng chính yếu Viễn thông - Công nghệ thông tin.

“Dấu chân” AVG xuất hiện như thế nào?

Sang năm 2016, MobiFone bổ sung thêm ngành nghề mới là Truyền hình và Đa dịch vụ. Đồng thời, trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện sản xuất kinh doanh năm 2016 của MobiFone, cái tên CTCP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) chính thức xuất hiện trong danh sách các công ty con của MobiFone với tổng vốn đầu tư chỉ 3,446 tỷ đồng, tương ứng chiếm 95% vốn điều lệ.

Nhưng thực tế, theo báo cáo tài chính năm 2016 cũng như theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tổng vốn đầu tư của MobiFone vào AVG là 8,889.8 tỷ đồng (trong đó MobiFone đã chuyển 8,445 tỷ đồng). Đến cuối năm 2019, MobiFone đã thu hồi toàn bộ số tiền đã đầu tư để mua 95% cổ phần AVG là 8,445 tỷ đồng và ghi nhận khoản tiền chênh lệch nhận được so với tiền gốc đầu tư ban đầu là 329 tỷ đồng vào doanh thu hoạt động tài chính.

Trong khi đó, về tình hình kinh doanh, theo thông tin từ báo Thanh niên, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cuối tháng 3/2015, tổng tài sản của AVG hơn 3,260 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 1,266 tỷ đồng; giá trị còn lại của tài sản cố định khoảng 208.5 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá, AVG liên tục lỗ với khoản lỗ lũy kế đến 31/03/2015 là hơn 1,632 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ).

Báo cáo đánh giá năm 2016 của MobiFone chỉ thể hiện tổng vốn đầu tư vào AVG là 3,446 tỷ đồng

He lo
 

Báo cáo tài chính năm 2016 của MobiFone thể hiện giá gốc khoản đầu tư vào AVG là gần 8,890 tỷ đồng

He lo
 

Giai đoạn 2015-2018 đánh dấu nhiều bước chuyển mình của MobiFone trong cơ cấu ngành nghề kinh doanh thì kết quả mang lại của nhà mạng này không ổn định, nhất là năm 2016 lợi nhuận trước thuế sụt gần 25% so với năm 2015.

Theo MobiFone, 2016 là năm thành công với các công ty con khi đều mang lại lợi nhuận với tỷ suất sinh lời trên vốn điều lệ ở mức khá cao, điển hình là tại MobiFone Service đạt tới 39.69%, tại MobiFone Global là 25.96%.

Ngoài ra, đây cũng là năm đầu tiên AVG có lợi nhuận đạt hơn 54 tỷ đồng, dù tỷ lệ sinh lời trên vốn chỉ ở mức 1.49%.

He lo
 

Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan trong năm 2017 khi AVG báo lỗ hơn 73 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sinh lời trên vốn âm hơn 2%.

Sang năm 2018, trong báo cáo đánh giá của Mobifone không còn tên AVG trong danh sách các công ty con do đến ngày 28/12/2018, MobiFone đã hoàn thành việc hoàn trả cổ phần AVG cho các cổ đông chuyển nhượng. Thay vào đó, một công ty con khác là MobiFone Plus lại bắt đầu báo lỗ hơn 9 tỷ đồng.

He lo
 

Sẽ cổ phần hóa trong năm 2019-2020

Cũng theo công bố của MobiFone hồi tháng 3/2019, thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, việc cổ phần hóa sẽ được tiến hành sau khi MobiFone hoàn thành việc hoàn trả cổ phần, tài sản, tài liệu, quyền quản lý, điều hành AVG cho cổ đông chuyển nhượng. Như vậy, MobiFone dự kiến thời gian thực hiện và hoàn thành cổ phần hóa là năm 2019-2020.

Nói về kế hoạch đầu tư năm 2019, MobiFone dự kiến sẽ cho miễn phí các dịch vụ truyền thống, chuyển đổi cơ cấu dịch vụ từ chú trọng dịch vụ thoại và tin nhắn truyền thống sang ưu tiên phát triển dịch vụ nội dung, dữ liệu và các dịch vụ số. MobiFone cũng đặt kế hoạch phủ sóng 4G cả nước và thử nghiệm 5G giai đoạn đầu để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh các dịch vụ Data tốc độ cao...

Con số cụ thể, MobiFone đặt mục tiêu tổng doanh thu 36,372 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với thực hiện của năm 2018. Lợi nhuận trước thuế là 6,045 tỷ đồng, nhích nhẹ hơn 2% so năm 2018. Tuy nhiên, sau 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị này chưa đạt phân nửa kế hoạch đề ra khi doanh thu mức 15,168 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2,644 tỷ đồng.

Minh An

>> xem thêm

Bình luận(0)