Hơn 400 hộ dân chung cư VP3 mất nước giữa nắng nóng 40 độ
Vụ
mất nước ngày nắng nóng mới đây nhất, là chung cư VP3 (Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Cụ thể, khoảng 8h sáng 3/6, hàng trăm cư dân chung cư VP3 đã đội nắng nóng, đồng loạt giăng băng-rôn với khẩu hiệu yêu cầu chủ đầu tư trao lại quyền quản trị cho cư dân, xử lý
tình trạng mất nước, thiếu nước sạch triền miên.
|
Người tham gia phản đối chủ đầu tư không chỉ là người lớn mà còn có cả người già và trẻ nhỏ. |
Theo các cư dân sống tại đây, trong suốt gần 4 năm sinh sống, các hộ dân tại chung cư VP3 thường xuyên phải gánh chịu cảnh thiếu nước sạch. Dù đã có nhiều cuộc đối thoại, kiến nghị nhưng trong tháng 5 và tháng 6/2017 tình trạng mất nước sạch tại chung cư VP3 triền miên xảy ra khiến cuộc sống cư dân bị đảo lộn, đặc biệt trong cái nóng 40 độ C ở thời điểm hiện tại.
Hàng ngày, các cư dân phải vất vả dậy từ sáng sớm để xếp hàng xách nước từ các xe bồn chở nước sạch đến, nhưng nguồn nước khá eo hẹp, họ phải tích trữ từng xô nước trong nhà.
Chia sẻ với báo chí, anh Vũ Quốc Thưởng (37 tuổi, sống ở tầng 28 của tòa chung cư), cách đây mấy hôm, nước mất cả ngày, nước trong hệ thống không bơm lên được, các cư dân liền phản ảnh lên ban đại diện tòa nhà thì được cho xe téc cấp nước 2 lần vào hai buổi sáng chiều nhưng mỗi buổi chỉ được một lúc khiến nhà nhà đều không đủ nước dùng. Nếu hôm đó, ngủ quên hay có việc thì y như rằng không có nước dùng. Nhiều hôm không có nước để tắm rửa, thậm chí nước được tái sử dụng nhiều lần như rửa rau xong dội nhà vệ sinh...
“Có những lúc anh không dám tắm rửa ở nhà, phải sang hàng xóm hay lên cơ quan nơi anh làm việc để tắm rửa vì không có nước. Nhiều lần người dân kiến nghị lên ban quản lý dự án cải tạo lại đường ống để đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước cho người dân sinh hoạt nhưng tình trạng không được cải thiện….Đây là do hệ thống đường ống nước sạch xuống cấp, nhỏ không đủ tải trọng nước cho các cư dân trong tòa nhà. Bình thường các hộ xung quanh đây không ai bị mất nước cả. Gia đình tôi có con nhỏ rất tốn nước, dùng nước bên ngoài không đảm bảo nên cũng rất lo sợ.” - anh Thưởng nói.
Theo anh Thưởng, để có thêm nguồn nước tích trữ, gia đình anh phải tự mua thêm một thùng đựng hơn 100 lít nước lắp trên nóc nhà vệ sinh để tích trữ thêm dùng trong những lúc mất nước nhưng tình trạng này không cải thiện được bao.
Ngay sau sự việc người dân căng bang-rôn, đến trưa cùng ngày, đại diện chủ đầu tư đã xuống để gặp gỡ và làm việc với người dân VP3. Theo cam kết, chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng; trong vòng 1 tháng kể từ ngày 3/6/2017 sẽ ký hợp đồng với đơn vị cung cấp nước sạch và thi công lắp đặt đường ống mới hoàn chỉnh cho cư dân VP3.
Chung cư cao cấp bị cúp nước, hơn 1.000 hộ dân khốn khổ
Đây không phải lần đầu người dân Hà Nội bị mất nước trong thời gian dài giữa nắng hè oi bức. Trước đó, theo thông tin phản ánh trên báo Tuổi trẻ, vào tháng 5/2016, hơn 1.000 hộ dân sinh sống tại các tòa chung cư cao tầng CT3 (các khối nhà A,B,C,D), các tòa CT1, CT2A, CT2B và khu nhà liền kề thuộc khu đô thị mới Cổ Nhuế - Nam Cường (phường Cổ Nhuế 1, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng khổ sở do thiếu nước sạch sinh hoạt.
|
Áp lực nước không đủ khiến nước sạch không đủ bơm về cung cấp cho các hộ dân. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Theo phản ảnh của người dân, áp lực nước không đủ khiến nước sạch không đủ bơm về cung cấp cho các hộ dân. Hơn nữa, thiếu nước sạch đúng thời điểm nắng nóng đầu mùa kéo dài liên tiếp, mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, đặc biệt là những gia đình có người già, trẻ em. Một số hộ phải đi xin nước khu vực khác về dùng hoặc chọn cách tá túc nhà người thân ở nơi khác.
Hầu hết các hộ dù bận đến đâu cũng phải cử người túc trực ở nhà để canh lúc có nước và tích trữ vào các loại thùng, xô, chậu. Nhưng giờ có nước sạch cũng rất… oái oăm, thường vào lúc 23h hoặc sáng sớm, và mỗi lần cũng chỉ được chút ít, cơ bản không đủ dùng cho mỗi gia đình ở các tòa chung cư này.
Trước những bức xúc của các hộ dân, ông Đào Tiến Dũng, bí thư chi bộ kiêm trưởng ban quản trị tòa nhà CT3, cho biết đại diện cư dân đã nhiều lần làm việc với cán bộ Xí nghiệp Nước sạch Cầu Giấy để đề đạt giải quyết việc này.
Tuy nhiên, phía xí nghiệp trả lời chung chung rằng nước sạch vẫn được xí nghiệp cung cấp bình thường cho khu đô thị, đồng thời đề nghị cư dân kiểm tra lại đường ống xem liệu có tình trạng rò rỉ hoặc tắc nghẽn ở đâu không.
Bị cắt nước sinh hoạt lúc thời tiết gần 40 độ, cư dân Nam Đô Complex bức xúc
Tương tự, Phản ánh đến báo điện tử VTC News vào cuối tháng 5/2014, nhiều hộ dân sống tại chung cư Nam Đô Complex (609 Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội)do Công ty cổ phần Đầu tư dầu khí toàn cầu (GP Invest) làm chủ đầu tư bức xúc khi bị cắt nước đột ngột giữa trời nóng.
|
Chung cư Nam Đô Complex. Ảnh: VTC News. |
Cụ thể, ông Võ Thanh Sơn, Trưởng Ban liên lạc bảo vệ quyền lợi của cư dân Nam Đô Complex cho biết, vào ngày 26/5/2014, một số hộ dân sống tại tòa CT1B bị mất nước đột ngột mà không được thông báo trước hay biết lý do vì sao.
“Chỉ có một số hộ bị cắt nước, trong khi các hộ gia đình khác vẫn có nước sử dụng bình thường. Vì vậy, các hộ gia đình này rất bức xúc vì giữa trời nắng nóng, không có nước sinh hoạt và cũng không hiểu vì sao gia đình mình lại bị cắt”, ông Sơn nói.
Khi cư dân tìm hiểu về sự việc này thì được biết, ngày 23/5/2014, ông Bùi Văn Hiểu – Giám đốc Ban quản lý tòa nhà Nam Đô Complex đã ký một văn bản yêu cầu bộ phận kỹ thuật của tòa nhà cắt nước một số hộ dân có tên trong danh sách gửi kèm. Lý do được vị lãnh đạo ban quản lý tòa nhà đưa ra là: Nếu thứ 2 (ngày 26/5/2014) các hộ dân chưa nộp phí dịch vụ thì yêu cầu kỹ thuật sẽ cắt nước với các hộ dân trên.
Không chỉ bức xúc vì bị mất nước đột ngột, các cư dân tại chung cư Nam Đô Complex còn tỏ ra lo lắng khi chất lượng nước sinh hoạt tại đây đang bị ô nhiễm, trong đó, lượng asen - là một chất gây ung thư hiện cao gấp hơn 2 lần tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế.
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Thanh Sơn, Trưởng Ban liên lạc bảo vệ quyền lợi của cư dân Nam Đô Complex cho biết, tháng 10/2013 gia đình ông bắt đầu chuyển về đây sinh sống.
“Vấn đề nước ở đây đang khiến cư dân rất lo lắng. Khi biết kết quả nước không đảm bảo gia đình tôi không dám sử dụng nước để ăn uống mà phải mua nước bên ngoài” – Ông Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, sau khi cư dân nhiều lần phản ánh kiến nghị về vấn đề nước sạch, vừa qua chủ đầu tư có thông báo cho dân kết quả kiểm nghiệm nước chứng nhận nước đủ tiêu chuẩn. Cư dân đã nhiều lần đưa mẫu nước đi kiểm nghiệm và kết quả đều vượt mức cho phép nên trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục lấy nước đi kiểm tra lại – ông Sơn nói.