Hàng loạt dấu hỏi về quá trình Văn Phú Invest tăng vốn "khủng"

Google News

Hàng loạt câu hỏi liên quan đến hoạt động của Văn Phú Invest, hiệu quả dòng tiền từ các lần phát hành cổ phiếu tăng vốn đang được nhiều cổ đông chờ đến màn "chất vấn" ban lãnh đạo công ty, trong đó có việc Văn Phú Invest tăng vốn "khủng".

Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest vừa công bố tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 diễn ra vào ngày 10/4 tới đây tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Văn Phú Invest tổ chức đại hội đồng cổ đông sau khi trở thành công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán vào cuối năm 2017.
Hang loat dau hoi ve qua trinh Van Phu Invest tang von
Chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 7/2017, Văn Phú Invest tăng vốn mạnh gấp 6 lần từ 262 tỷ lên 1.600 tỷ đồng. 
Chính vì thế, hàng loạt câu hỏi liên quan đến hoạt động của công ty, trong đó có việc Văn Phú Invest tăng vốn "khủng", hiệu quả dòng tiền từ các lần phát hành cổ phiếu tăng vốn đang được nhiều cổ đông chờ đến màn "chất vấn" ban lãnh đạo công ty.
Cuối năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận mã cổ phiếu bất động sản VPI của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú. Chỉ vài ngày sau khi niêm yết, giá trị cổ phiếu của Văn Phú Invest tăng kịch trần 56,5% lên mức 43.200 đồng/cổ phiếu, đưa Chủ tịch của Văn Phú Invest ông Tô Như Toàn lọt danh sách những tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong bản cáo bạch trước thềm niêm yết, Văn Phú Invest thể hiện tốc độ tăng vốn "chóng mặt" trước khi lên sàn. Theo đó, năm 2008, vốn điều lệ ban đầu của Văn Phú Invest chỉ là 45,8 tỷ đồng. Hơn 9 năm sau, tính đến tháng 7/2017, vốn của Văn Phú tăng 35 lần thông qua các đợt phát hành cổ phiếu, từ 45,8 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng.
Riêng lần Văn Phú Invest tăng vốn "khủng" trước thềm niêm yết, chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 7/2017, Văn Phú Invest tăng vốn mạnh gấp 6 lần từ 262 tỷ lên 1.600 tỷ đồng thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Đáng lưu ý, chính những người nhà của ông Tô Như Toàn đã tiến hành mua lại cổ phiếu của VPI. Cụ thể, ông Tô Như Toàn Chủ tịch HĐQT công ty nắm 40 triệu cổ phiếu, chiếm 25% vốn điều lệ, cùng với Công ty Cổ phần Đầu tư THG Holdings nắm 37,5 triệu cổ phiếu tương đương 23,44% vốn điều lệ. Ông Tô Như Thắng (em trai ruột ông Tô Như Toàn) nắm hơn 11,3 triệu cổ phiếu, chiếm 7,06%, bà Đào Thị Hồng Hạnh (vợ ông Toàn) và Lê Châu Giang con gái của ông Tô Như Toàn mỗi người nắm 4 triệu cổ phiếu, tương đương 5%. Tức là các cổ đông này đã chi ra 1.338 tỷ đồng để nâng vốn cho VPI lên 1.600 tỷ.
Theo tìm hiểu, THG Holding được thành lập ngày 5/7/2017, ngay trước lần tăng vốn thứ 6 của Văn Phú Invest, địa chỉ tại số 177 phố Trung Kính, Phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây cũng chính là địa chỉ của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest. THG Holding có vốn điều lệ 375 tỷ đồng, cổ đông sáng lập là ông Tô Như Toàn, góp 217,5 tỷ đồng tương đương với 28% vốn điều lệ; vợ ông Toàn là bà Đào Thị Hồng Hạnh góp vốn 131,25 tỷ đồng tương đương với 35% vốn điều lệ và con gái ông Toàn là Lê Châu Giang góp 25,25 tỷ đồng, tương đương với 7% vốn điều lệ.
Ngay sau khi tăng vốn, VPI lập tức tiến hành bù trừ công nợ, thanh toán các khoản vay cá nhân, ngân hàng; đầu tư tài chính vào các công ty như Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển thương mại Văn Phú, Công ty Cổ phần Văn Phú số 1, Công ty cổ phần tài nguyên và môi trường Trường Minh; bổ sung vốn cho công ty con TNHH MTV Đầu tư Văn Phú-Giảng Võ,…
Trong bản cáo bạch, tính đến thời điểm 30/9/2017, Văn Phú Invest còn đang là con nợ của nhiều ngân hàng khác nhau: Techcombank cho vay hơn 114 tỷ đồng, Ngân hàng TNHH Indovina cho vay 339,8 tỷ đồng, Vietcombank cho vay hơn 268,2 tỷ đồng,… Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 cũng cho thấy nợ phải trả của Văn Phú Invest là 1.700 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 1.380 tỷ đồng, nợ dài hạn là 320 tỷ đồng.
Theo Vũ Vũ/Vietnamfinance

>> xem thêm

Bình luận(0)