Ngày 27/11 vừa qua, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký văn bản số 12143/UBND- KGVX về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Điều đáng chú ý trong văn bản này là, tỉnh Khánh Hòa đưa ra thông điệp mạnh mẽ về việc hạn chế doanh nghiệp thay đổi đăng ký kinh doanh, tăng vốn hoặc thay đổi cổ đông.
“Quy định trái luật”
Với mục tiêu đặt ra là tăng cường quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh nhưng văn bản lại đưa ra quy định ngăn cản việc các doanh nghiệp thay đổi đăng ký kinh doanh, tăng giảm vốn hoặc thay đổi cổ đông.
|
Tỉnh Khánh Hoà có tiềm năng về bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh internet. |
Cụ thể, tại điểm b điều 2 trong văn bản số 12143/UBND-KGVX có nêu: “Trước khi giải quyết cho phép thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn doanh nghiệp liên quan đến các dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, vi phạm hoặc đang bị xử lý vi phạm quy định về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, do UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư yêu cầu Sở Kế hoạch và đầu tư phải kiểm tra lấy ý kiến các ngành liên quan và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến”.
|
Văn bản số 12143 đang gây tranh cãi trong cộng đồng doanh nghiệp. |
Đưa ra ý kiến về nội dung này, Luật sư Lương Ngọc Đinh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thịnh Việt Trí cho biết: "Đây là quy định trái luật bởi quyền được tự do chuyển nhượng, mua bán cổ phần của các cổ đông, vốn góp của các thành viên góp vốn trong doanh nghiệp là một trong những quyền cơ bản mà mỗi cổ đông, thành viên sở hữu vốn góp đã được pháp luật cho phép. Điều này được quy định cụ thể tại Luật doanh nghiệp năm 2014.
Tuy nhiên, với mục tiêu quản lý các dự án trên địa bàn, tỉnh Khánh Hòa lại ngăn cản các doanh nghiệp được thực hiện các quyền hợp pháp của mình. Trong khi đó, nếu muốn xử lý các dự án chậm hoặc sai phạm…tỉnh cần áp dụng các quy định của Luật đầu tư, thì lại áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp".
“Một doanh nghiệp có thể là chủ đầu tư của nhiều dự án, nếu một dự án có sai phạm thì áp dụng Luật đầu tư để xử lý sai phạm đó bằng xử phạt hoặc thậm chí có thể thu hồi chứ không thể ách tắc lại hoàn toàn việc thay đổi đăng ký kinh doanh, thay đổi cổ đông của doanh nghiệp đó, làm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp”, một đại diện doanh nghiệp xin được giấu tên, bức xúc.
Với văn bản này, tỉnh Khánh Hòa dường như đang “thổi còi” tất cả các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh, hạn chế doanh nghiệp tăng giảm vốn, thay đổi cổ đông, thay đổi đăng ký kinh doanh…Trong trường hợp nếu được phép thực hiện quyền hợp pháp này cũng phải qua “cửa” là báo cáo UBND tỉnh Khánh Hoà.
Và...hệ lụy
Thực tế cho thấy đây không phải là lần đầu tiên tỉnh Khánh Hòa ban hành văn bản kiểu như thế này. Cách đây hơn 1 năm, vào ngày 11/9/2017, tỉnh Khánh Hoà đã ban hành Thông báo số 603/TB-UBND về tình hình triển khai thực hiện dự án Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao, trong đó cũng đưa ra quy định Sở Kế hoạch và Đầu tư phải báo cáo UBND tỉnh xem xét chấp thuận trước khi cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư dự án này điều chỉnh giấy phép đăng ký kinh doanh.
Văn bản này đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”. Đến ngày 13/6/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Thông báo 353/TB-UBND về việc giải quyết điều chỉnh nội dung đăng ký doanh nghiệp của Công ty Cổ phần Carava Resort và Công ty cổ phần du lịch Hòn Một, đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư “kiểm tra, thẩm định hồ sơ và giải quyết việc điều chỉnh nội dung đăng ký doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật”.
Hệ lụy của những quy định hành chính trái luật đã làm ách tắc hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại tỉnh Khánh Hòa và những địa phương khác. Bởi với quy định này, những doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ chịu “thiệt thòi”, còn những doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở địa phương khác hoặc đã lên sàn chứng khoán thì vẫn được thực hiện theo đúng quyền hợp pháp trong Luật doanh nghiệp.
Thậm chí, theo Luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc Công ty Luật LSX thì quy định này còn có thể dẫn đến việc doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, bị phá sản không thể thực hiện được quyền do bổ sung thêm cổ đông, tăng vốn… để tiếp tục thực hiện các công việc và dự án.
Trong khi Chính phủ đang nêu cao tình thần kiến tạo, tháo gỡ các khó khăn và cởi bỏ nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh giúp doanh nghiệp được kinh doanh dễ dàng hơn, thì tỉnh Khánh Hòa lại tiếp tục ban hành một văn bản trái luật, đi ngược lại tinh thần kiến tạo của Chính phủ. Dư luận và cộng đồng doanh nghiệp đặt ra câu hỏi, mục tiêu thực sự của Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa có phải là tạo ra một “giấy phép con” bên cạnh việc quản lý các dự án du lịch có vốn ngoài ngân sách?
Một văn bản đầy rẫy "lỗi chính tả"
Xin trở lại nội dung văn bản số 12143/UBND-KGVX ngày 27/11/2018 do UBND tỉnh Khánh Hoà ban hành về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Văn bản do ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà ký, ban hành và có hiệu lực ngay từ ngày 27/11/2018.
Văn bản này được UBND tỉnh Khánh Hoà đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh này với mức độ công khai.
Điều đáng lạ là một văn bản pháp quy được nhiều cơ quan chuyên môn tham mưu nghiên cứu kỹ trước khi trình lãnh đạo ký và đóng dấu mà tại sao lại để nhiều “lỗi chính tả” xuất hiện một cách ngớ ngẩn như vậy?
Không khó để dowload (tải xuống) được văn bản này, Phóng viên đã nghiên cứu kỹ văn bản này và nhận thấy những “lỗi chính tả” xuất hiện trong văn bản số 12143 là có thật!
Đơn cử như tại trang 2 khoản b, mục 1: “Việc ban hành lại một quyết định chủ trương…”. Lỗi chính tả “điều chình”.
Tại trang 2, khoản a, mục 2: “Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư…”. Lỗi chính tả lặp từ “chuyên chuyên”; “cổ động”.
|
Văn bản số 12143 xuất hiện nhiều lỗi chính tả ngớ ngẩn! |
Như vậy, có thể thấy một văn bản hành chính do cơ quan là UBND tỉnh Khánh Hoà ban hành lại để những lỗi ngớ ngẩn như vậy là khó chấp nhận. Những văn bản này theo quy định là có hiệu lực và có giá trị pháp lý, không những vậy, mỗi văn bản được ban hành đều có tầm ảnh hưởng nhất định tới đời sống nhân dân cũng như hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn đó.
Sau bài học này, có lẽ bộ phận văn phòng của UBND tỉnh Khánh Hoà phải đi học lại “cấp tốc” một lớp ngắn hạn về “chính tả” trước khi trình cấp lãnh đạo ký, ban hành bất kỳ một văn bản nào đó.