Chiều 12/11, tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, phóng viên báo Tiền Phong đặt vấn đề, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều ĐBQH bày tỏ sự lo ngại khi có thông tin tỷ phú người Thái Lan mua 34% cổ phần Nhà máy nước mặt sông Đuống và đề nghị lãnh đạo Sở, ngành Hà Nội xác minh, làm rõ thông tin này.
Tuy nhiên, trong các phần trả lời của ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội và ông Võ Tuấn Anh, Phó Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội đều không đề cập đến nội dung này.
|
Đại diện lãnh đạo sở, ngành Hà Nội không trả lời câu hỏi về thông tin tỷ phú Thái Lan mua cổ phần Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Phóng viên Tiền Phong và một số phóng viên tiếp tục hỏi về vấn đề này, tuy nhiên, cũng không có vị nào trả lời nội dung này.
Trước đó, như Tiền Phong đã thông tin, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề về cách thức quản lý, thoái vốn nhà nước tại công ty nước sạch vừa qua, và cả việc mua bán cổ phần giữa doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch trong nước với nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, theo ĐB Nghĩa, thời gian vừa qua, ở một số nơi đã thực hiện việc thoái 100% vốn nhà nước tại các công ty nước sạch. Trong khi đó, an ninh nguồn nước và nước sạch là một vấn đề quan trọng, thậm chí còn hơn cả lương thực. Vụ việc nước sạch ở Hà Nội bị nhiễm bẩn vừa qua đã cho thấy rõ điều đó.
"Tôi cho rằng Chính phủ cần phải xem xét lại chủ trương thoái 100% vốn nhà nước tại ngành sản xuất và cung cấp nước sạch. Nếu có thoái vốn thì chỉ thoái một tỷ lệ nhất định, còn Nhà nước vẫn phải chiếm cổ phần chi phối", ông Nghĩa đề xuất.
Đối với việc tư nhân tham gia xây dựng các nhà máy nước sạch, ông Nghĩa cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc tư nhân tham gia đầu tư xây dựng là chủ trương phù hợp. Tuy nhiên, vừa qua, báo chí có phản ánh về việc tỷ phú Thái Lan mua 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch Sông Đuống- do tư nhân đầu tư xây dựng. Khi tư nhân đầu tư thì họ được phép mua bán, chuyển nhượng.
Theo ông Nghĩa, điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề lo ngại. Ví dụ, nhà đầu tư nước ngoài sau khi mua xong họ lại bán toàn bộ cổ phần cho nhà đầu tư nước khác, nhất là những nhà đầu tư ở nước đang có những tranh chấp về chủ quyền với Việt Nam? "Ta đã thấy một số nước đã sử dụng 'vũ khí nước' trong quan hệ với các quốc gia láng giềng", đại biểu đoàn TPHCM nêu quan điểm.
“Trong trường hợp xảy ra xung đột, tôi thực sự lo ngại về vấn đề an ninh nguồn nước đối với nhu cầu nước sạch của hàng chục đô thị ở nước ta, trong đó có những đô thị hơn mười triệu dân”, ông Nghĩa lo lắng.
Bày tỏ sự chia sẻ kiến nghị của nhiều chuyên gia và cử tri, ông Nghĩa cho rằng rằng, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu, đánh giá về việc nhà đầu tư nước ngoài mua, nắm giữ, chuyển nhượng cổ phần ở các công ty tư nhân cung cấp nước sạch trong nước. Quốc hội cần sớm xây dựng luật về đầu tư, sản xuất và kinh doanh nước sạch ở nước ta.