Tình trạng cửa hàng kinh doanh xăng dầu dán biển "hết xăng" diễn ra ở TP HCM và một số tỉnh, thành phía Nam thời gian qua khiến dư luận vô cùng bức xúc. Mặc dù các cơ quan chức năng đã lập nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra vào cuộc nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn.
|
Cây xăng dán biển hết xăng. |
Tại Hà Nội, mới đây nhiều người dân cũng phẫn nộ khi cảnh hết xăng cũng diễn ra tại Cửa hàng xăng dầu Mỹ Đình (số 1 Lê Quang Đạo, P. Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm) - Đối diện Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.
Đây là cửa hàng (cây xăng) thuộc Công ty CP Đầu tư phát triển thương mại và Dịch vụ Trường Thịnh - Chi nhánh Mỹ Đình; Thương nhân phân phối là Công ty TNHH thương mại xăng dầu Phương Nam.
Theo phản ánh của người dân, cây xăng này dán biển báo hết xăng từ khoảng hơn 1 tuần nay khiến những người đi xe đến đây đổ xăng chưng hửng. Điều đáng nói, khi cây xăng này đóng cửa báo hết hàng thì ngay cạnh đó một tiểu thương vô tư bày bán xăng dưới lòng đường với giá cắt cổ.
|
Những người này bán xăng lẻ với giá "chặt chém", ngay cạnh cây xăng dán thông báo "hết xăng". |
Ghi nhận của PV sáng ngày 27/10, cho thấy: Cửa hàng xăng dầu Mỹ Đình vẫn đóng cửa, căng dây xung quanh với những tờ giấy A4 in dòng chữ “HẾT XĂNG”. Dù vậy, nhiều người đi xe máy, ô tô không biết cửa hàng này đóng cửa nên vẫn lũ lượt tìm đến.
|
Những chai xăng được bán với giá "chặt chém". |
Đáng nói, chỉ cách cây xăng trên vài mét, có một số tiểu thương vô tư đặt biển, bày bán xăng bằng các chai nhựa, can nhựa để dưới lòng đường với số lượng lớn và có giá rất cao. Tuy nhiên, vì cửa hàng đóng cửa trong khi phương tiện hết xăng nên nhiều người phải cắn răn mất tiền đổ xăng vỉa hè dù giá cao gấp nhiều lần và chấp nhận nguy cơ có thể xăng không đảm bảo chất lượng.
Anh Quang - một người dân đi xe máy cho biết: “Tôi đi đến đường Lê Quang Đạo thì xe hết xăng, theo thói quen tôi đi đến đây để đổ thì cửa hàng đóng cửa dán biển báo hết xăng. Tôi phải đổ ở hàng xăng vỉa hè cạnh cây chai nhựa 1 lít, người ta báo tôi giá 50 nghìn đồng”.
|
Nhiều xe ô tô dù đã cạn nhiên liệu nhưng vẫn không đổ được xăng, tài xế đành ngậm ngùi rời đi. |
Trong khi đó, anh Tuấn một người đi ô tô cũng cho biết: “Tôi phải đổ xăng ở vỉa hè vì cây xăng này đóng cửa. Tôi cũng không biết xăng vỉa hè đổ vào có đảm bảo chất lượng không? Không biết họ có pha không nữa, nhưng xe cạn xăng không thể đi đến cây xăng khác nên tôi chẳng biết phải làm sao”.
Bên cạnh đó, nhiều người dân thắc mắc rằng không biết những tiểu thương trên lấy nguồn xăng từ đâu ra các can lớn để “chặt chém” người dân? Ngoài việc lo lắng về chất lượng xăng bán lẻ của những tiểu thương này người dân còn lo lắng rằng việc bày bán xăng bằng can, chai nhựa như trên liệu có đảm bảo an toàn?
Nên nhớ kinh doanh xăng dầu là kinh doanh có điều kiện, trong đó có yêu cầu người bán phải được đào tạo, đảm bảo an toàn về PCCC…
Bên cạnh đó, Nghị định 99/2020/NĐ-CP cũng nghiêm cấm hành vi bán xăng dầu qua can, chai, lọ…. Nếu hành vi mua xăng nhằm tích trữ xăng dầu hoặc bán lại qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai… thì hành vi này sẽ bị xem xét xử phạt.