Trong các bài phản ánh trước, Báo Tri thức và Cuộc sống đã đề cập đến việc những chiếc xe tải chở cát có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở quá khổ, quá tải “tung hoành” trên đường đê sông Hồng (xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) gây nhức nhối người dân. Xuất xuất hiện nhiều nhất là những chiếc xe tải chở cát được gắn logo “Hưng Phát”. Tần suất vận chuyển của những chiếc xe này trung bình cách nhau khoảng từ 5-10 phút/chuyến.
|
Thời điểm phóng viên ghi nhận tại chốt của lực lượng liên ngành huyện Gia Lâm, từ sáng đến trưa ngày 14/4, không thấy bóng dáng một chiếc xe tải chở cát nào chạy qua. |
Trước sự việc trên, tại buổi làm việc ngày 14/4 với phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Trần Thế Nhật - Phó Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông vận tải huyện Gia Lâm và ông Lê Quang Minh - Quyền Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an huyện Gia Lâm đều cho biết, liên ngành gồm hai đội đã lên kế hoạch xử lý các xe vi phạm.
Đặc biệt, ông Lê Quang Minh khẳng định, lực lượng liên ngành sẽ ra quân “cắm chốt” 1 tháng tại khu vực phản ánh, nhằm phát hiện và xử lý các xe vi phạm.
Tuy nhiên, suốt từ sáng đến gần 11h ngày 14/4, khi phóng viên ghi nhận tại chốt xử lý của lực lượng liên ngành TTGT và CSGT Trật tự huyện Gia Lâm, trên đường đê sông Hồng, gần chốt xử lý không xuất hiện bất kỳ chiếc xe tải chở cát nào.
|
Đến chiều tối ngày 15/4, "binh đoàn" xe tải chở cát có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở quá khổ, quá tải "tái xuất" chạy ầm ầm trên đê sông Hồng (xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội). |
Một ngày sau (15/4), phóng viên tiếp tục quay trở lại khu vực “cắm chốt” của lực lượng liên ngành huyện Gia Lâm thì thật bất ngờ, vì khoảng thời gian từ 17h-20h cùng ngày, “bình đoàn” xe tải chở cát có dấu hiệu cơi nới thành thùng, quá khổ, quá tải đã “tái xuất” một cách rầm rộ.
Tới điểm này, phóng viên không thấy bóng dáng của lực lượng liên ngành TTGT huyện Gia Lâm, CSGT Trật tự (Công an huyện Gia Lâm).
Trong khi đó, những chiếc xe tải chở cát có dấu hiệu cơi nới thành thùng vẫn nối đuôi nhau chạy từ bãi tập kết từ cửa khẩu lối ra Đền Thiên Vương Thịnh “băm nát” đường đê sông Hồng (thuộc xã Đông Dư), sau đó, hướng ra đường Lý Thánh Tông để chạy về Hưng Yên.
Tần suất chạy của những chiếc xe tải này càng dày đặc khi trời tối. Có lúc xuất hiện cùng 2-3 chiếc xe tải có dấu hiệu cơi nới thành thùng và chở cát không che chắn kỹ lưỡng, liên tục bấm còi inh ỏi, phóng “bạt mạng” mỗi khi di chuyển trên đường.
Đa số những chiếc xe tải có dấu hiệu vi phạm này đều đã tháo hết logo được gắn ở phía trước.
Trưa ngày 16/4, phóng viên tiếp tục liên hệ qua điện thoại với ông Trần Thế Nhật - Phó Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông vận tải huyện Gia Lâm và được vị này cho biết, theo kế hoạch lực lượng liên ngành hai đội sẽ cắm chốt tại khu vực phản ánh trên đến 20h mỗi ngày.
Khi phóng viên cung cấp thông tin, thời điểm ghi nhận từ 17h-20h ngày 15/4, phóng viên đã tận mắt thấy những chiếc xe tải có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở quá khổ, quá tải vẫn chạy ầm ầm mà không thấy bóng dáng của lực lượng liên ngành, thì ông Nhật không nói gì.
Thêm một số hình ảnh phóng viên ghi nhận:
|
Những chiếc xe tải có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở cát không che chắn kỹ lưỡng, phóng "bạt mạng", khác xa hình ảnh đường phố "vắng lặng" khi có phóng viên ghi nhận tại chốt xử lý của CSGT, TTGT một ngày trước đó. |
|
Những chiếc xe tải có dấu hiệu vi phạm vẫn thản nhiên chạy rầm rầm. |
|
Các xe tải có dấu hiệu quá khổ, quá tải chạy nối đuôi nhau từng tốp "băm nát" đê sông Hồng, rồi hướng về đường Lý Thánh Tôn để chạy sang Hưng Yên. |
|
Người dân tham gia giao thông khu vực này đang bị "ám ảnh" bởi những chiếc xe tải chở cát có dấu hiệu vi phạm. |
|
Đến khoảng 20h cùng ngày, các xe tải chở cát hoạt động càng nhộn nhịp. |
Từ 15/4 đến hết ngày 15/5, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) cả nước sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đây là kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) do Bộ Công an triển khai.
Theo đó, Bộ Công an giao Cục CSGT chỉ đạo lực lượng CSGT thuộc Cục CSGT và CSGT Công an các đơn vị, địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác bảo đảm TTATGT.
Trên đường bộ, lực lượng CSGT triệt để áp dụng công nghệ thông tin trong các mặt công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, sử dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để phát hiện, xử lý vi phạm, quản lý công tác cán bộ, chiến sĩ CSGT.
Lực lượng CSGT tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT; tập trung các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; duy trì và phát huy hiệu quả các tổ công tác phối hợp giữa CSGT và các lực lượng công an khác để phát hiện, xử lý các đối tượng cố ý vi phạm về TTATGT, tụ tập xe mô tô phóng nhanh lạng lách gây mất trật tự công cộng, đua xe trái phép, kết hợp với đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trên đường thủy nội địa, lực lượng CSGT phối hợp với các lực lượng có liên quan tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm, phức tạp, các tuyến đường thủy du lịch từ bờ ra đảo; tập trung vào hoạt động vận tải hành khách ngang sông, dọc sông; các cảng, bến trái phép hoặc không đủ điều kiện hoạt động; các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí trên đường thủy nội địa; phương tiện thủy đưa đón học sinh, chở khách tại các khu du lịch, phương tiện chở khách từ bờ ra đảo, phương tiện chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn...
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.