Theo thống kê của Forbes tính đến ngày 16/4, các tỷ phú người Pháp, trong đó có François-Henri Pinault, gia đình Arnault và gia đình Bettencourt Meyers, đã quyên góp tổng cộng 680 triệu USD cho việc phục dựng nhà thờ.
Các khoản đóng góp khác đến từ các tập đoàn lớn bao gồm đại gia dầu mỏ Total của Pháp đóng góp 100 triệu euro (khoảng 113 triệu USD) hay JCDecaux, tập đoàn quảng cáo ngoài trời của Pháp cam kết ủng hộ 20 triệu euro (khoảng 22 triệu USD). Apple, công ty giàu có nhất thế giới, cũng tiết lộ họ sẽ góp phần kinh phí để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà.
|
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà trong vòng 5 năm. Ảnh: Getty. |
Sự ủng hộ không chỉ đến từ nội địa nước Pháp khi Anh đang cân nhắc một khoản quyên góp lớn về số lượng cây sồi. Theo thiết kế, 1.300 cây đã được sử dụng trong việc xây dựng mái của Nhà thờ Đức Bà Paris.
Tại Hungary, một số thành phố cũng đang chung tay để đáp lại mối ân tình năm xưa khi Pháp là nước hào phóng nhất trong việc giúp đỡ Hungary vượt qua trận lụt kinh hoàng năm 1879.
Tuy nhiên, làn sóng thiện chí này lại đang bị chỉ trích bởi một số nhân vật nổi tiếng và phương tiện truyền thông. Phát thanh viên người Anh Janet Street-Porter cho rằng các khoản quyên góp sẽ được chi tiêu tốt hơn cho các vấn đề xã hội.
Đồng quan điểm, tác giả người Mỹ Kristan Higgins đã đăng trên Twitter: “Hãy quyên góp để giúp đảo Puerto Rico (một vùng quốc hải thuộc chủ quyền của Mỹ) phục hồi. Quyên góp để giúp người dân thành phố Flint (Mỹ) có nước sạch sử dụng hay đưa trẻ em ra khỏi các ‘động chứa’ là những ý tưởng không hề tồi”.
|
Phần mái Nhà thờ Đức Bà bị phá hủy hoàn toàn, cần một số tiền lớn để phục dựng. Ảnh: Getty. |
Trong khi đó, chính trị gia người Pháp Philippe Poutou đã gọi các khoản đóng góp khổng lồ trên là “một cuộc thi của những kẻ trốn thuế”. Theo ông, nên có một hệ thống thuế thích hợp và một quỹ xã hội cho những vấn đề này.
Trong Huffington Post, nhà sử học Mike Stuchbery nhắc nhở các nhà tài trợ về trách nhiệm của họ đối với người nghèo: “Thật quan trọng để nhắc một số người nhớ rằng tòa kiến trúc tuyệt đẹp như vậy đã được xây dựng nhằm tôn vinh một đức tin. Chúng ta cũng luôn được nhấn mạnh về việc viện trợ người nghèo là quan trọng thế nào”.
Cộng đồng mạng cũng đã xuất hiện những phản ứng tương tự. Tờ báo Anh Metro, chia sẻ bình luận của một tài khoản: “Số tiền được quyên góp là quá lớn và đang tăng lên mỗi ngày. Điều đó có thể cứu sống hàng nghìn người trên thế giới đấy”.
Tất nhiên, việc quyên góp để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà nên được nhìn nhận đa chiều, nhưng có một lo ngại là áp lực của công chúng đối với các nhà hảo tâm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động từ thiện của họ sau này. Có thể số tiền từ thiện của người giàu sẽ giảm xuống trong tương lai vì họ lo ngại điều tiếng.