Mua hàng theo cảm xúc
Người tiêu dùng đang dần trở nên "mất kiểm soát" trong chi tiêu khi liên tục mua sắm online thông qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Nhiều người cho biết, họ chỉ mua hàng theo cảm xúc, cảm tính của bản thân dù biết món hàng đó chưa phải thực sự cần thiết với bản thân.
Bạn Võ Nguyên Anh M. (20 tuổi, ngụ thành phố Đà Nẵng) chia sẻ, trung bình mỗi ngày lướt các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội điển hình như Tiktok từ 3-5 tiếng. Lĩnh vực mà bạn quan tâm thường rơi vào đồ ăn vặt và công nghệ.
Trung bình một tháng M. chi tiêu từ 3.000.000 đến 6.000.0000 đồng cho việc mua sắm online. Đến cuối tháng tổng kết lại, M. mới hoảng hốt vì đã chi tiêu khá nhiều cho việc mua sắm online.
Cùng chung suy nghĩ với M., chị Lê Thị Tường D. (24 tuổi, ngụ thành phố Hồ Chí Minh) là nhân viên văn phòng cũng gặp tình trạng khốn đốn vì chi tiêu quá tay cho việc mua sắm online.
Chị thường mua sắm quần áo, giày dép thông qua livestream và cho biết đôi lúc những thứ mình mua chưa chắc bản thân đã cần nhưng coi livestream thấy hay, nhiều voucher, mẫu mã cũng đẹp và cộng thêm tâm lý lo sợ sẽ vụt mất món đồ đó nên đã chốt đơn rất nhiều. Đến cuối tháng nhìn lại khoản nợ từ thẻ tín dụng, chỉ biết ngậm ngùi vì những "sai lầm quá trớn".
Ngoài những người trẻ tuổi thích mua sắm online vì tiện lợi, dễ dàng thì hội chị em nội trợ cũng chiếm một tỉ lệ lớn.
Chị Nguyễn Thị Thuý Tr. (30 tuổi, ngụ thành phố Hồ Chí Minh) vừa là nội trợ vừa buôn bán nhỏ chia sẻ rằng, một ngày có thể lướt TikTok hơn 5 tiếng chỉ để chốt đơn thông qua livestream.
Sản phẩm chị Tr. mua đa số là quần áo, phụ kiện cho bản thân và con cái. Ngoài ra, chị còn mua những đồ gia dụng thiết yếu khác cho gia đình. Không chỉ dừng lại ở việc mua sắm trên nền tảng TikTok, chị Tr. còn chi nhiều tiền cho các sàn thương mại điện tử khác như Shopee và Lazada.
Theo báo cáo Tổng quan doanh thu các sàn thương mại điện tử vào tháng 11/2023 từ YouNet ECI, đã có 31,195 nghìn tỷ đồng giá trị giao dịch trên các sàn (gọi tắt là GMV); hơn 261,38 triệu sản phẩm đã được bán ra. Trung bình một gian hàng có thể thu về 76,9 triệu đồng trong tháng 11/2023.
Và những khoản nợ tín dụng "kếch sù"
Theo chị Lê Bùi, cựu CCO Ngày lễ mua sắm trực tuyến quốc gia Online Friday cho biết: "Với quan sát của tôi từ năm 2014 tới nay thì thấy giới trẻ ở mỗi độ tuổi đều có một sự nghiện mua sắm khác nhau. Việc mua sắm online hiện tại quá dễ dàng bởi công nghệ, bởi thẻ tín dụng mua bán xuyên quốc gia".
Giữa làn sóng mua hàng online ồ ạt, chị Lê Bùi cũng chia sẻ thêm về mức độ ảnh hưởng với kinh doanh truyền thống và kinh doanh online không có quá nhiều sự khác biệt.
Chị cho biết: "Trong khi làm việc với nhiều nhà sản xuất hàng đầu, tôi nhận thấy mặc dù bán lẻ truyền thống vẫn phổ biến, mua sắm trực tuyến thường do áp lực FOMO và hướng đến các thương hiệu mới, đặc biệt với giới trẻ. Kinh doanh truyền thống đang chuyển dần sang mô hình minimart, cạnh tranh trực tiếp với tiệm tạp hóa và nhiều tiệm nhỏ đã tăng doanh thu thông qua kinh doanh trực tuyến.
Trong lĩnh vực phi thực phẩm, nhiều thương hiệu đã thành công chuyển sang kinh doanh trực tuyến qua nhiều kênh, không chỉ trên các sàn thương mại điện tử. Xu hướng trực tuyến mở ra cơ hội mới, nhưng các doanh nghiệp cần cân nhắc giữa giá trị cốt lõi và xu hướng tiêu dùng để không mất bản sắc kinh doanh ban đầu".
Với sự phát triển mạnh của mạng xã hội, việc tiếp thị mua bán trở nên dễ tiếp cận và giao dịch dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng cần tỉnh táo, suy nghĩ kỹ càng trước khi đặt tay mua sắm những món đồ không quá cần thiết để tránh tình trạng "khốn đốn" vì nợ thẻ tín dụng, cạn kiệt chi phí sinh hoạt cấn sang cho việc mua sắm.
Chị Lê Bùi cho rằng: "Trong góc nhìn của một người cuối 8X thế hệ của những sự chuyển giao cũ và mới, thì tôi hiểu hiểu được nếp sống cần kiệm của thời xưa nhưng cũng đồng cảm với nhu cầu hưởng thụ cuộc sống, làm hết sức chơi hết mình của các bạn trẻ bây giờ. Mua sắm không những là một hoạt động thường nhật mà còn là phương tiện giải trí, cập nhật xã hội, kết nối với những cộng đồng cũng sở thích, flexing…
Chưa kể, cường độ và tiềm lực chi tiêu của của các bạn ngày nay lớn hơn nhiều so với giai đoạn trước. Các bạn cũng có khả năng làm ra những mức thu nhập siêu khủng, để có thể mua những thứ mình thích".
"Chúng ta cũng cần định nghĩa rõ ràng hơn từ "nghiện". Nếu nói việc mua sắm điên cuồng mất kiểm soát và vượt quá mức chi tiêu là biểu hiện của nghiện mua sắm thì thật sự tôi nghĩ thời nào cũng có, chứ không chỉ là thời nay", chị Lê Bùi chia sẻ.