Tại một bữa tiệc sau lễ trao giải Quả Cầu Vàng hôm 7/1, Jeff Bezos trò chuyện cùng Halle Berry, Chris Hemsworth và nhiều ngôi sao Hollywood khác. Hồi tháng 12 năm ngoái, ông có mặt trên thảm đỏ buổi công chiếu bộ phim "The Post" cùng các tên tuổi gạo cội của điện ảnh thế giới như Meryl Streep và Tom Hanks tại Washington D.C.
Những sự xuất hiện này là một diện mạo mới đối với tỷ phú Bezos, "cha đẻ" của Amazon. Vốn dĩ được biết đến như là một tỷ phú bí ẩn và "máu lạnh", ông thường chỉ loanh quanh Seattle, nơi ra đời của Amazon, tránh hầu hết sự kiện công khai cũng như các bữa tiệc "black-tie".
Song, khi Bezos đứng đầu danh sách người giàu nhất thế giới theo xếp hạng của Forbes với khối tài sản ròng trị giá hơn 100 tỷ USD và được CNN coi là người có khối tài sản lớn nhất lịch sử, ông có thể dễ dàng có được bất kỳ món đồ xa xỉ nào. Nhưng việc "ở ẩn" thì lại trở nên bất khả thi.
|
Ông Bezos (thứ hai từ phải sang) cùng các diễn viên (từ trái sang) Matt Damon, Taika Waititi và Chris Hemsworth tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng hôm 7/1. Ảnh: Getty. |
"Ông ấy được cảm ơn tại Quả Cầu Vàng và là đối tượng mà tổng thống Mỹ nhắm đến trong các tweet. Đó là sự nổi tiếng trong văn hóa đại chúng mà thậm chí cả Steve Jobs cũng không có được", Margaret O'Mara, giáo sư lịch sử tại Đại học Washington, nói.
Đứng ngoài tâm điểm
Ông Bezos đã luôn vui vẻ với vai trò "trưởng nhóm bán hàng" của Amazon, đặc biệt là khi ông hiểu rõ những lợi ích đối với khách hàng thông qua vai trò này. Ông nhận trả lời phỏng vấn và diễn thuyết tại các sự kiện chẳng hạn khi một sản phẩm mới của công ty như thiết bị đọc sách điện tử Kindle hay loa thông minh Echo cần được giải thích với thế giới.
Tuy nhiên, trong gần hai thập kỷ, ông luôn kiên định với lập trường rằng công ty của ông về cơ bản cần tránh xa ánh đèn của sân khấu chính trị và không gây xáo trộn tại các cộng đồng địa phương. Thậm chí, khi được tạp chí TIME bình chọn là nhân vật của năm vào năm 1999, ông vẫn cố tránh xa đời sống chính trị. Việc chụp hình chung với các chính trị gia với ông là một điều miễn cưỡng, theo lời một cựu nhân viên lâu năm của Amazon.
Việc đứng ngoài tâm điểm chú ý đã mang lại những lợi ích trong làm ăn.
Là một người có niềm đam mê với Internet từ sớm, ông Bezos đã từ bỏ công việc tại một quỹ tự bảo hiểm rủi ro ở New York với ý định tìm một nơi để khởi nghiệp bán sách qua mạng. Năm 1994, ông và vợ đã chất đồ lên xe và cùng nhau rong ruổi xuyên nước Mỹ. Một năm sau, ông thành lập Amazon tại thành phố Seattle thuộc bang Washington, một phần vì nơi này khi đó đang thu hút ngày càng nhiều nhân tài trong lĩnh vực công nghệ nhờ Microsoft.
Tuy nhiên, việc khởi nghiệp tại một bang hẻo lánh như Washington cũng đồng nghĩa với việc Amazon sẽ không phải thu thuế bán hàng như tại những bang đông dân nhất ở Mỹ như California, Texas và New York. Các nhà bán lẻ có nghĩa vụ phải thu thuế bán hàng tại những bang mà họ có sự hiện diện vật lý (tức là có cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi...).
Có một khoảng thời gian, cũng vì lý do này mà công ty không công khai bàn luận về việc phần lớn kho bãi của họ nằm ở đâu. Những nhân viên của Amazon ở Seattle, nếu có kế hoạch đi công tác ở ngoài bang Washington, phải cung cấp lịch trình để xem xét trước nhằm tránh làm phát sinh các trách nhiệm về thuế không mong muốn.
Đổi lại, những nỗ lực đó mang lại cho Amazon một lợi thế về giá cả so với những thương hiệu bán lẻ tại chỗ cố định như Barnes & Noble.
Điều này cũng đồng nghĩa rằng dù lượng khách hàng tìm đến Amazon càng ngày càng tăng, đế chế này vẫn gần như vô hình trong địa hạt chính trị.
Cho đến cuối năm 2012, Amazon có hơn 88.000 nhân viên và doanh thu hàng năm là hơn 61 tỷ USD. Tuy nhiên trong năm đó, công ty bị giới chức Seattle cũng như truyền thông chỉ trích vì xa rời đời sống công chúng, không giống những "ông lớn" khác như Boeing hay Starbucks.
"Tôi không biết về những gì Amazon làm cho cộng đồng", Sally Jewell, giám đốc điều hành của hãng bán lẻ R.E.I khi đó, nói trên Seattle Times vào năm 2012. "Đó không phải là một cái tên xuất hiện tại các tổ chức phi lợi nhuận mà tôi tham gia".
Với các nhà đầu tư, ông Bezos chỉ hiện diện vừa đủ tại Amazon để họ cảm thấy tin tưởng và ông cũng nói ít nhất có thể để các đối thủ cạnh tranh không phải đoán già đoán non. Cho đến hôm nay, Amazon sẽ không tiết lộ chính xác bao nhiêu máy Kindle, loa Echo và các thiết bị khác đã được bán ra, và họ cũng từ chối tiết lộ về tình hình tài chính của Amazon Web Services, một dịch vụ điện toán đám mây mang lại lợi nhuận cao.
Nhà đầu tư Warren Buffet, người đã quen biết ông Bezos từ những năm 1990, nói rằng câu chuyện Microsoft bị chính phủ kiện theo luật chống độc quyền khi đó hẳn đã ảnh hưởng đến tư duy của chủ tịch kiêm CEO Amazon. Sau vụ kiện, Microsoft mất đi vị thế của mình, mở ra một cơ hội không ngờ cho các đối thủ cạnh tranh.
Bất chấp sự thiếu hụt thông tin, các nhà đầu tư đã đẩy giá cổ phiếu của Amazon tăng hơn 1.100% trong một thập kỷ qua cùng với sự choáng ngợp trước sự phát triển của đế chế này.
Bước ra ánh sáng
Bước ngoặt xảy ra với ông Bezos vào năm 2011 khi Amazon lâm vào một cuộc chiến với chính quyền các bang. Khi đó, giới lập pháp bắt đầu "truy đuổi" các nhà bán lẻ qua mạng như Amazon. Tại California, Amazon ban đầu đấu tranh đòi lật lại một luật mới áp đặt thu thuế bán hàng qua mạng. Song ông Bezos đã quyết định lùi bước sau khi mọi chuyện trở nên rõ ràng rằng hình ảnh của Amazon có thể bị vấy bẩn.
Amazon bắt đầu hợp tác. Năm 2011, công ty này ký một thỏa thuận với chính quyền California về việc thu thuế bán hàng tại bang này, và cùng lúc ký thêm nhiều thỏa thuận tương tự ở các bang khác.
Một cách bất ngờ, một công ty từng từ chối xác nhận họ có bao nhiêu nhân viên ở trụ sở Seattle giờ lại không ngừng nói về việc họ đang tạo ra bao nhiêu việc làm. Công ty hiện có 542.000 nhân viên sau khi xây dựng một loạt kho bãi trên khắp đất nước.
Dù vậy, trong lúc ông Bezos và Amazon nói về việc tạo ra việc làm, họ phải đối mặt với những cáo buộc ngược rằng đế chế này thực sự là một kẻ bắt nạt khiến nhiều người mất việc.
Làn sóng đóng cửa cửa hàng của những nhà bán lẻ truyền thống như Barnes & Noble hay Macy's càng làm gia tăng những lời chỉ trích. "Amazon phải bị chặn lại" là tiêu đề một bài viết trên New Republic vào năm 2014 về thị trường ngày càng tăng trưởng của đế chế mà ông Bezos lập ra.
Cuộc chiến giữa Amazon với nhà xuất bản Hachette cùng năm đó hay bài báo của New York Times về văn hóa doanh nghiệp của đế chế này vào năm sau càng khiến uy tín của Amazon bị đe dọa. Đến lúc này, Bezos mới bắt đầu tập trung hơn vào các vấn đề về danh tiếng của tập đoàn.
Những người quen biết ông Bezos lâu năm nói rằng họ thấy sự nỗ lực của ông cũng như Amazon trong việc thể hiện tính cách của vị lãnh đạo nhiều hơn.
Ông trở nên tích cực hơn trên Twitter từ cuối năm 2015 khi đăng tấm hình chụp ông mang bốt cao bồi và đoạn video quay lại cảnh ông đứng trên một turbine gió ở Texas. Tại một sự kiện ở Los Angeles hồi tháng 11 năm ngoái với sự tham gia của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực giải trí, chăm sóc sức khỏe, ông nói công việc mơ ước của ông là bartender (pha chế đồ uống), chủ yếu là vì ông thích trò chuyện với mọi người.
Nếu cần một hình ảnh giúp hình dung ông Bezos ở hiện tại, đó là tấm ảnh chụp ông với cơ tay trước lộ ra khỏi chiếc áo polo tại một hội thảo kinh doanh ở Idaho hồi tháng 7. "Bezos xôi thịt" lập tức trở thành một hiện tượng "chế" ảnh trên mạng. Một người dùng Twitter đăng những tấm hình chụp ông Bezos hồi cuối thập niên 1990 với vẻ ngoài như một gã khờ, đi cùng chú thích "Tôi bán sách", đặt cạnh tấm hình chụp ông trong dáng vẻ lực lưỡng của năm 2017 với chú thích "Tôi bán mọi thứ tôi muốn".
|
Ông Bezos vào năm 1997. Ảnh: Getty. |
Những câu chuyện mà người ta muốn bàn tán với nhau bao gồm hoạt động một ngày của "cha đẻ" Amazon. Phần lớn các ngày, ông rời căn biệt thự có hồ phía trước ở thành phố Medina, bang Washington, để đến tòa nhà văn phòng 37 tầng mới tinh ở Seattle, nơi ông điều hành Amazon.
Vào những ngày thứ tư, ông đi về phía nam đến một khu văn phòng công nghiệp nằm ở vùng ngoại ô thành phố Kent, nơi tập trung các tên lửa của Blue Origin, một start-up của Bezos trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Hai tuần một lần, ông họp qua điện thoại với đội ngũ lãnh đạo báo Washington Post, tờ báo ông mua lại vào năm 2013 với giá 250 triệu USD, và họ đến gặp ông tại nhà riêng hai lần trong năm. Ông liên lạc với những người đứng đầu tờ báo qua một nhóm trên email được đặt tên là "Nhóm Bánh kếp". Ông từng chiêu đãi các thành viên của nhóm này món bánh kếp ông tự làm theo công thức yêu thích từ chương trình "Joy of Cooking" trong lần đầu tiên họ ghé nhà ông.
"Chẳng giống như chúng tôi đã đến nhà của tỷ phú nào đó và người giúp việc còn đông hơn cả khách khứa", Shailesh Prakash, trưởng phòng thông tin của tờ báo, cho hay.
Một số người quen biết Bezos nói diện mạo mới của ông trước công chúng đơn thuần là để phục vụ cho mục đích kinh doanh. Những người khác tin rằng đó là kết quả từ sự trưởng thành cá nhân.
Song tất cả họ đều nói rằng điều rõ ràng là ông Bezos và Amazon đang cố chỉ cho thế giới thấy những khía cạnh khác của ông, ngoài những thứ liên quan đến công nghệ.