Thương vụ đình đám trên đã "ngay lập tức làm xáo trộn ngành siêu thị và biến Amazon từ công ty thương mại điện tử trở thành gã khổng lồ bán hàng truyền thống", CNN bình luận. Trong bài viết hôm 16/6 với tiêu đề "Jeff Bezos – gã doanh nhân thông minh nhất thế giới", Hãng tin này đã dành không ít lời khen ngợi cho nhà sáng lập kiêm CEO của Amazon.
Kẻ phá bĩnh
Việc Amazon thâu tóm Whole Foods có thể khiến nhiều người cảm thấy sốc nhưng với những ai từng làm việc tại Amazon hay dành thời gian theo dõi công ty trong các năm qua sẽ ít bất ngờ hơn, "bởi đó là phong cách thường thấy của Jeff Bezos", theo quan sát của CNN.
"Jeff điên rồ như một con cáo. Đó là người có tầm nhìn và dự định vô cùng rõ ràng", Nadia Shouraboura - cựu Giám đốc Amazon, người đã nghỉ việc tại Công ty năm 2012 nhận xét.
Dưới góc nhìn của CNBC, Amazon từ lâu đã là "kẻ phá bĩnh" trong đủ các phân khúc của thị trường bán lẻ, từ hiệu sách, cửa hàng điện tử cho đến cửa hàng tổng hợp.
Mời quý vị độc giả xem video Tỷ phú Jeff Bezo - ông hoàng của đế chế Amazon. Nguồn: Youtube:
Được thành lập năm 1994, Amazon khởi đầu là một hiệu sách trực tuyến. Tại thời điểm đó, các chuỗi hiệu sách Barnes & Noble và Borders vẫn còn đang thống trị ngành này.
Năm 2007, Amazon phát hành sản phẩm sách điện tử Kindle giúp doanh số công ty cất cánh và cổ phiếu của công ty tăng mạnh trong hai năm sau đó. Điều này khiến Borders lao đao và phải đệ đơn phá sản vào năm 2011 trong khi quy mô kinh doanh của Barnes & Noble thì ngày càng bị thu hẹp.
Ngoài kinh doanh sách, Amazon cũng mở rộng sang các lĩnh vực như: phần cứng, dịch vụ đám mây, chương trình truyền hình và "thường là người đi trước đối thủ vài năm", CNN bình luận.
Cụ thể, việc Amazon lấn sân sang thị trường bán lẻ đồ điện tử khiến những thương hiệu lâu đời như RadioShack và Circuit City phải đệ đơn phá sản hoặc kinh doanh cầm chừng. Theo ghi nhận của CNBC, chỉ duy nhất chuỗi cửa hiệu Best Buy là đối thủ đủ sức cạnh tranh với Amazon và đang ngày càng phát triển khi Hãng tập trung vào mảng bán hàng trực tuyến.
Về cơ bản, Bezos muốn thay đổi toàn bộ ngành bán lẻ nhưng ông chọn cách tập trung từng lĩnh vực trong từng thời điểm. Dù khởi nguồn kinh doanh từ sách nhưng Amazon cũng bán dòng quần áo riêng, thử nghiệm với đặt khách sạn, chuyển phát thực phẩm qua Amazon Fresh.
Theo tính toán của CNN, với thương vụ mua Whole Foods, "gã khổng lồ" Amazon có tiềm năng giành được thị phần lớn hơn trên thị trường 600 tỷ USD doanh thu chỉ riêng tại Mỹ.
Việc giá cổ phiếu Amazon tăng 3% ngay đầu phiên giao dịch hôm thứ Sáu tuần trước cũng cho thấy "các nhà đầu tư sớm nhận ra sự xuất chúng của Bezos lần này", CNN nhìn nhận. Bởi, cổ phiếu tăng giá là điều khá bất thường đối với những doanh nghiệp vừa công khai khoản mua sắm đắt đỏ. Chưa kể, tại cùng thời điểm, chứng khoán của các hãng bán lẻ và thực phẩm khác bắt đầu lao dốc.
Michael Pachter - chuyên gia phân tích của Wedbush nhận xét "đây là một bước đi chiến lược tuyệt vời", đồng thời khen ngợi Bezos là "người thông minh nhất trong bất kỳ công ty nào".
CNN cho rằng Bezos xứng đáng với lời khen ngợi trên khi phần đông những đối thủ trực tiếp với Amazon đều đang bị bỏ xa. Ngay cả Google, Apple cũng đang cố gắng bắt chước thành công của Amazon trong lĩnh vực loa thông minh. Microsoft, Google nỗ lực đưa dịch vụ đám mây của mình đối đầu được với Amazon Web Services.
Sukhinder Singh Cassidy, nhân viên lâu năm tại Amazon chia sẻ: "Jeff là tổng hòa của sự đa dạng, sáng tạo, kỷ luật, đa diện và khôn khéo. Ông có thể tận dụng năng lực này trên nhiều lĩnh vực lớn cùng lúc. Đó chính là thứ khiến ông ấy có thể mua Whole Foods cùng lúc với việc tái hình dung cách sáng tạo nội dung và giao hàng".
Thương vụ thâu tóm trên cũng giúp tài sản của Bezos tăng thêm 1,8 tỷ USD. Hiện ông chủ Amazon sở hữu 84,6 tỷ USD – kém người giàu nhất thế giới Bill Gates 5 tỷ USD, theo Bloomberg.
"Bệ phóng" tốt
Ở tuổi 53, Jeff Bezos tập trung vào tham vọng bành trướng Amazon trong khi người giàu nhất thế giới Bill Gates, 61 tuổi, lại muốn đem phần lớn tài sản đi làm từ thiện. Do đó, trong cuộc chiến giành "ngôi vương" giàu nhất thế giới này, Bezos đang có một "bệ phóng" tốt hơn so với Gates, CNN nhận định hôm 18/6.
Khi nhà đồng sáng lập của Microsoft vẫn mải mê với những kế hoạch từ thiện thì CEO Amazon nổi tiếng với cam kết mỗi ngày đều làm việc hết mình như thể Công ty vẫn đang trong giai đoạn startup.
Trước đó, Bezos cũng từ chối tham gia vào Giving Pledge – quỹ từ thiện lớn nhất thế giới do vợ chồng Bill Gates và tỷ phú Warren Buffett khởi xướng nhằm kêu gọi những tỷ phú khác quyên góp ít nhất một nửa tài sản của mình cho hoạt động thiện nguyện.
Tại một sự kiện tháng 10 năm ngoái, Bezos từng được hỏi liệu có kế hoạch làm từ thiện như Bill Gates hay không. Ông trả lời: "Có chứ, nếu tôi còn tiền sau dự án Blue Origin". Nhưng hiện tại, có vẻ Bezos đã thay đổi quan điểm.
Hôm 15/6 – một ngày trước thông tin Amazon thâu tóm Whole Foods được công bố, Jeff Bezos đã bày tỏ sự quan tâm đến hoạt động từ thiện và đặt câu hỏi về những ý tưởng cho một "chiến lược thiện nguyện".
"Tôi muốn thực hiện nhiều hoạt động từ thiện để giúp mọi người ngay bây giờ, ngay tại đây. Tức là trong ngắn hạn, vừa phục vụ nhu cầu cấp thiết vừa có tác động lâu dài", Bezos viết trên Twitter.
Được biết, trước đây Bezos chủ yếu tập trung vào các hoạt động là "những khoản đầu tư dài hạn có thể đóng góp cho xã hội theo cách riêng", theo CNN. Những việc này bao gồm tập trung điều hành Amazon, dùng tài sản cá nhân mua tờ Washington Post và hỗ trợ phát triển công ty du hành vũ trụ Blue Origin của mình.