Sinh ra và lớn lên tại thủ phủ khoai lang – tỉnh Vĩnh Long, anh Nguyễn Văn Việt, trú tại Vĩnh Long từ lâu đã ấp ủ dự định làm các loại bánh từ khoai lang. Mỗi ngày, anh đều đọc và tìm hiểu về cách làm ra các loại bánh từ nguồn nguyên liệu của quê hương mình.
Với đam mê khởi nghiệp, anh đã dành thời gian rảnh của mình để nghiên cứu và làm ra các lại bánh từ khoai lang: bánh trung thu, bánh quy, bánh phồng khoai lang thuần chay....
Anh Việt ấp ủ làm bánh khoai lang tím từ rất lâu, đến năm 2019 mới cho ra mắt thị trường.
Mọi công thức đều tự nghiên cứu, anh phải thử nghiệm 1 lần, 2 lần rồi 3 lần… thậm chí làm đến 50 lần vẫn chưa ra được chiếc bánh ưng ý từ nguyên liệu khoai lang. Nhưng đam mê và khát khao làm ra bánh khoai lang để bán ra thị trường đã khiến anh chưa một lần nản chí, anh vẫn tiếp tục nghiên cứu và làm.
Khoảng tháng 7/2019, anh đã cho ra mắt thị trường dòng sản phẩm bánh trung thu. Ngay sau khi ra mắt, loại bánh này thu hút khách hàng chú ý, dù mới bán ra thị trường, mùa Trung thu năm đó anh đã bán hết khoảng 15.000 chiếc bánh, với giá bán dao động từ 50.000 – 75.000 đồng/chiếc.
Anh Việt cho biết anh làm rất nhiều loại bánh nhưng anh tập trung làm bánh phồng khoai lang thuần chay vì thời gian bảo quản lâu.
Nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và những phản hồi tích cực của khách hàng, anh lại tiếp tục cho ra mắt thị trường loại bánh quy làm từ khoai lang để phục vụ dịp Tết Nguyên đán… Sau này, anh lại làm thêm nhiều loại bánh khác từ nguyên liệu này, tuy nhiên những dòng bánh thời gian sử dụng ngắn anh chỉ làm theo mùa, còn anh tập trung sản xuất nhiều vào bánh phồng khoai lang thuần chay – loại bánh có thể sử dụng từ 1-2 năm.
Để hoàn thiện được bánh từ khoai lang, anh Việt cho biết cần trải qua đến 12-13 công đoạn, trong đó, vẫn còn một số công đoạn làm thủ công, chưa thể sử dụng máy hoàn toàn. Ví dụ như công đoạn gọt vỏ, người gọt mới phát hiện củ bị sâu, hỏng… để bỏ đi, còn máy thì không làm được điều này.
Để hoàn thiện được một chiếc bánh, khoai lang tím cần trải qua khoảng 12-13 công đoạn, trong đó có một số công đoạn phải làm thủ công.
Vì trải qua nhiều công đoạn, cộng với việc một số công đoạn làm thủ công nên sản phẩm hoàn thiện bán ra thị trường phải mất từ 6-7 ngày. Đến nay, anh vẫn tìm hiểu cách làm nhanh để rút ngắn thời gian sản xuất.
Anh kể lại khi mới khởi nghiệp mọi thứ đều khó khăn, từ thiếu nguồn vốn đến công nghệ sản xuất. Anh tự mày mò tìm hiểu quy trình sản xuất cũng như các thiết bị máy móc để phục vụ cho các công đoạn làm bánh… Đến khoảng 10/2020, anh mới bắt đầu nhận nhà đầu tư đầu tiên để hỗ trợ anh về vốn, cùng phát triển sản phẩm.
Theo anh, dự án này của anh mới trong giai đoạn khởi đầu, đang phát triển, dù lợi nhuận chưa có, chỉ đủ tiền để đáp ứng cuộc sống của anh và những người làm tại xưởng của anh. “Không ít nhà đầu tư đã liên hệ để hỗ trợ, tôi từ chối khá nhiều vì không phù hợp. Duy chỉ có một nhà đầu tư tôi chấp nhận với số vốn góp vào 500 triệu đồng, vì đó là nhà đầu tư có thể hỗ trợ tôi về nguồn hàng khoai lang tím đảm bảo, ổn định”, anh nói.
Thời gian tới, anh mở rộng sản xuất và chuẩn bị để xuất khẩu bánh ra nước ngoài.
Còn về đầu ra của sản phẩm, anh Việt chia sẻ khi mới khởi nghiệp, đầu ra của anh không phải lo vì dòng bánh lạ nên nhiều người đặt mua, cũng có một số nhà phân phối chính độc quyền ở các tỉnh liên hệ đến anh. Nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát trong năm nay, các nhà phân phối đó trong khu cách ly nên anh không thể vận chuyển đến đó được, anh đành phải tìm cách bán hàng online.
“Chỉ đăng bán một số hội nhóm trên mạng, tôi nhận được hàng chục đơn đặt hàng trong 2 ngày. Nay tôi đang soạn hàng để gửi đi cho khách. Còn sản phẩm bánh phồng khoai lang thuần chay của tôi cũng có một số đơn vị đặt hàng để xuất khẩu nhưng dịch bùng phát nên chưa thực hiện được. Sau khi dịch ổn định, tôi sẽ đưa hàng xuất ra nước ngoài vì sản phẩm của tôi đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xuất khẩu”, anh cho hay.
Hiện tại, mỗi tháng anh làm ra khoảng hơn 1 tấn bánh và đều bán hết. Khi hết dịch, anh dự định sẽ đầu tư sản xuất và nghiên cứu thêm một số loại bánh khác để phục vụ nhiều đối tượng khách hàng.