Giải tỏa đất mất 38 tỷ, phường cho thuê lại 40 triệu/năm

Google News

113 hộ dân phải di dời, 38 tỷ đồng ngân sách phải chi để giải tỏa khu đất mà sau đó phường An Đông (Huế) cho thuê với giá 40 triệu đồng/năm.

Giai toa dat mat 38 ty, phuong cho thue lai 40 trieu mot nam
 Công trình dọc bờ sông An Cựu chưa có giấy phép xây dựng vẫn được UBND phường An Đông cho xây dựng - Ảnh: Nguyên Linh
Trao đổi với báo chí ngày 8/4, ông Phan Ngọc Thọ, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết tỉnh đã yêu cầu UBND TP Huế báo cáo sự việc công trình không có giấy phép vẫn được xây dựng dọc bờ sông An Cựu, thuộc P.An Đông, TP Huế.
Đó là khu nhà dịch vụ giải khát nằm trong công viên trên đường Đặng Văn Ngữ, dọc sông An Cựu.
Công trình được xây dựng kiên cố, gồm một nhà rường cao hai tầng rộng khoảng 200m2 và hai nhà nhỏ ở phía sau được xây dựng chạy sát ra bờ sông.
Công trình này do Công ty TNHH một thành viên sinh vật cảnh An Đông (Công ty An Đông) đầu tư xây dựng, khởi công từ tháng 2/2015.
Ông Ngô Thanh Liêm, giám đốc Công ty An Đông thừa nhận công trình chưa được cấp phép xây dựng, nhưng được UBND P.An Đông cho phép.
Trước đó, ngày 8/12/2011, UBND TP Huế có quyết định di dời 113 hộ dân nằm trong dự án giải tỏa, chỉnh trang sông An Cựu, đoạn từ cầu An Cựu đến cống Phát Lát (P.An Đông), với số tiền bồi thường gần 38 tỉ đồng từ ngân sách.
Theo ông Nguyễn Đình Nghị, chủ tịch UBND P.An Đông, tháng 9/2014, việc di dời các hộ dân ở dọc bờ sông An Cựu hoàn thành. Tuy nhiên, do TP Huế chưa có kinh phí triển khai chỉnh trang bờ sông, nên khu đất trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, một số hộ dân lấn chiếm để buôn bán. UBND P.An Đông đã có tờ trình gửi UBND TP Huế về việc xã hội hóa công viên cây xanh dọc bờ sông An Cựu và đã được TP Huế chấp thuận chủ trương này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 22/1/2015, UBND P.An Đông và Công ty TNHH một thành viên sinh vật cảnh An Đông đã ký kết hợp đồng hợp tác khai thác khu đất dọc bờ sông An Cựu.
Cụ thể, UBND P.An Đông giao toàn bộ khu đất rộng khoảng 9.000m2 cho Công ty An Đông xây và các hạng mục để khai thác dịch vụ giải khát, thời gian hợp đồng 20 năm.
Toàn bộ kinh phí công trình (gồm công viên, hệ thống chiếu sáng và khu nhà phục vụ dịch vụ giải khát) dự toán xây dựng khoảng 6,5 tỉ đồng. Sau 20 năm, nếu không có nhu cầu kinh doanh, Công ty An Đông sẽ bàn giao toàn bộ tài sản nhà đất, vật kiến trúc, cây xanh ở công viên này cho UBND P.An Đông tiếp tục khai thác.
Với hợp đồng giao khoán này, mỗi năm, Công ty An Đông sẽ trả cho UBND P.An Đông 40 triệu đồng (5 năm điều chỉnh giá một lần), và được kinh doanh dịch vụ giải khát ở công viên này.
Nhiều hộ dân đã di dời khỏi khu đất phản đối việc làm này. Họ cho rằng chính quyền đã mập mờ khi giao đất giải tỏa làm công viên cho doanh nghiệp kinh doanh, với thời gian 20 năm là quá dài.
“Chúng tôi chấp nhận di dời nhà cửa để làm đẹp thành phố, thế nhưng chính quyền lại giao đất đó cho doanh nghiệp kinh doanh, hưởng lợi, Trong khi chúng tôi về nơi ở mới không có việc làm, không kinh doanh, buôn bán gì được cả”- bà Lê Thị Hường, một hộ dân bị di dời, cho biết.
Ông Nguyễn Đình Nghị thừa nhận mặc dù đã được UBND TP Huế thông qua phương án xây dựng, nhưng đến nay công trình này vẫn chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.
Trả lời câu hỏi vì sao phường lại cho phép xây dựng khi công trình chưa được cấp phép, ông Nghị nói phường muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng trong mùa khô, sau đó sẽ hoàn thành thủ tục giấy phép xây dựng, bởi TP Huế đã đồng ý chủ trương cho xã hội hóa rồi.
Ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch UBND TP Huế cho biết đã giao các phòng ban chức năng của thành phố rà soát lại toàn bộ dự án trên để báo cáo UBND tỉnh, sẽ cung cấp thông tin cho báo chí sau.
Theo Tuổi Trẻ

>> xem thêm

Bình luận(0)