Giá vàng SJC vượt 87 triệu đồng/lượng, điều gì đang xảy ra?

Google News

Sau hơn 1 tiếng giao dịch buổi sáng 7/5, giá vàng miếng tăng mạnh 1 triệu đồng/lượng lên hơn 87 triệu đồng/lượng. Mỗi ngày, giá vàng miếng SJC lập đỉnh mới khiến nhiều người đặt câu hỏi: Ai đang thao túng giá vàng?

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 85,3-87,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 1 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Các thương hiệu khác điều chỉnh giá vàng SJC chậm hơn, song cũng đều trong xu hướng tăng. Hiện Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết 85,1-87,4 triệu đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu niêm yết 85,45-87,35 triệu đồng/lượng.

Đáng ngạc nhiên, giá vàng miếng SJC tăng mạnh trong khi giá vàng thế giới giảm còn 2.325 USD/ounce, giảm 3 USD/ounce so với đầu giờ sáng.

Gia vang SJC vuot 87 trieu dong/luong, dieu gi dang xay ra?

Giá vàng miếng SJC có đang bị làm giá?

Chỉ trong 2 ngày, giá vàng miếng SJC tăng gần 2 triệu đồng/lượng lên mức cao nhất trong lịch sử. Việc giá vàng miếng SJC tăng cao khiến nới rộng khoảng cách với giá vàng thế giới hơn 16 triệu đồng/lượng.

Từ cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo thanh tra thị trường vàng và các bộ, ngành khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua, ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô. Thậm chí biện pháp đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước cung vàng ra thị trường vẫn không cản được đà tăng giá vàng trong nước.

Nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc chênh lệch quá cao giữa giá vàng miếng SJC với thế giới là do tình trạng độc quyền sản xuất từ khi Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời năm 2012 đến nay.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, tức trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu vàng miếng này. Từ đó giá vàng miếng cứ "một mình một chợ" và ngày càng chênh lệch lớn với thế giới.

Thông thường, các tiệm vàng mở cửa muộn và giá giao dịch thực sự trong ngày chỉ có từ khoảng 9h trở đi. Trước đó, vào 8h sáng, Công ty SJC và một số ngân hàng đã niêm yết giá vàng nhưng mang tính chiếu lệ. Công ty SJC thường căn cứ vào giá vàng đóng cửa ngày hôm trước và giá quốc tế để đưa ra giá lúc 8h. Các đại lý kinh doanh vàng khác căn cứ giá vàng Công ty SJC để tham chiếu cho giá vàng miếng SJC cũng như các loại vàng khác.

Hệ thống buôn sỉ vàng trên thị trường rất chằng chịt, liên kết chặt chẽ với nhau. Chính hệ thống này quyết định giá vàng trên thị trường. Một khi giá đã phát đi, lập tức theo chân rết, giá đến các tầng trên rồi lan dần xuống các tầng dưới, đều đặn và không có chuyện giá phá rào.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng nên thay đổi cách thức quản lý thị trường vàng hiện nay. Cụ thể, cho nhiều đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng với thương hiệu riêng để chấm dứt tình trạng độc quyền chỉ mình vàng miếng SJC. Tuy nhiên, việc cho phép nhập khẩu vàng vào Việt Nam hằng năm vẫn phải theo quy định với hạn mức nhất định, có sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước do liên quan đến vấn đề tỷ giá, ổn định tiền đồng.

Thậm chí, nhà nước có thể xem xét áp dụng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng nguyên liệu để gia tăng nguồn thu. Khi việc nhập khẩu được công khai cùng với các loại thuế, phí thì việc tính ra giá vàng miếng trên thị trường cũng đơn giản. Từ đó giúp chênh lệch giữa vàng miếng trong nước với thế giới thu hẹp lại nhiều so với hiện nay.

Báo cáo về Xu hướng Nhu cầu Vàng của Hội đồng Vàng Thế giới trong quý I năm nay cho thấy, nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong quý I kể từ năm 2015. Các nhà đầu tư trong nước bị thu hút bởi diễn biến tăng vọt của giá vàng trong quý I, đặc biệt khi đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao - được dự báo sẽ thúc đẩy lạm phát - và đồng nội tệ mất giá so với đồng USD. Mức chênh lệch giá đối với vàng miếng đã đạt mức kỷ lục là 650 USD/ounce.

Để giải quyết tình trạng này, chính phủ Việt Nam đã nới lỏng các hạn chế về nguồn cung, đồng thời Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch tiếp tục tổ chức đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường vào cuối tháng 4. 


Theo Ngọc Mai/Tiền phong

>> xem thêm

Bình luận(0)