Giá điện tăng, chuyên gia tư vấn chiêu tiết kiệm

Google News

Thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng nhiều thiết bị làm mát như điều hòa, quạt điện cũng vì thế tăng cao, khiến tiền điện cũng tăng theo, trở thành nỗi lo của không ít người.

Điều hòa có phải "thủ phạm"?

Trong kỳ thanh toán hóa đơn tiền điện tháng 5 (ghi chỉ số từ ngày 6.5 - 5.6), nhiều khách hàng bất ngờ với số tiền điện tăng cao hơn bình thường, đặc biệt là tại Hà Nội. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội giải thích việc hoá đơn điện tăng cao do nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện lớn, trong đó "thủ phạm" chính là điều hòa nhiệt độ.

Để tiết kiệm điện, sử dụng hiệu quả năng lượng, PGS.TS Nguyễn Việt Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Nhiệt - Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Khi sử dụng điều hòa, để tiết kiệm điện, người dùng cần để mức nhiệt độ tốt nhất là từ 26 đến 28 độ C. Việc để nhiệt độ thấp không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ khiến tốn điện, hại máy và không đảm bảo sức khỏe.

Trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp, sẽ giúp tiết kiệm điện khoảng 2 đến 3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, cần chọn và sử dụng các loại điều hòa được dán nhãn năng lượng 5 sao theo quy định Bộ Công Thương và phù hợp với diện tích phòng. Đồng thời phải thường xuyên vệ sinh điều hòa, bởi việc để điều hòa bị bụi bẩn cũng là một trong những nguyên nhân gây lãng phí điện năng.

Gia dien tang, chuyen gia tu van chieu tiet kiem
 Tiền điện tăng trở thành nỗi lo của nhiều người

"Điều hòa sau thời gian dài sử dụng, cả giàn nóng và giàn lạnh đều có các lá tản nhiệt bị mềm, trong khi gas lạnh có thể bị hao hụt, dầu máy bị bẩn cũng như các chi tiết cơ khí bị mài mòn. Hiệu quả làm lạnh có thể bị giảm tới 10 đến 15%. Việc bảo trì vệ sinh đúng cách sẽ giúp kéo dài tuổi thọ điều hòa", ông Dũng nói và cho biết, các thiết bị điện tử như quạt, điều hòa, tivi… khi không sử dụng nên ngắt hẳn nguồn điện, bởi nếu chỉ tắt bằng điều khiển, một số linh kiện vẫn phải hoạt động ở chế độ chờ và gây tiêu tốn năng lượng.

Th.s Phạm Mạnh Hải (Đại học Điện lực) cho biết, người dùng có thể chuyển chế độ lạnh từ cool (hơi lạnh, hình ảnh biểu thị là bông tuyết) sang chế độ dry (trừ ẩm, hình ảnh biểu thị là giọt nước). Ở chế độ dry, điều hòa sẽ hút hơi ẩm ra ngoài, không khí trong phòng sẽ trong lành, khô ráo hơn nên mức tiêu thụ điện năng ít hơn chế độ làm mát.

"Thao tác này sẽ giảm công suất tiêu thụ điện của điều hòa gần 10 lần. Đồng thời, sẽ hạn chế sốc nhiệt bởi nhiệt độ phòng sẽ không thấp quá 23 độ C và không dao động lớn với nhiệt độ bên ngoài", ông Hải nói.

Bên cạnh đó, ông Hải khuyến cáo, người dùng không bật tắt điều hòa liên tục, đồng thời ngắt aptomat khi không sử dụng, không bật điều hòa 24/24, không mở cửa khi sử dụng điều hòa, có thể hẹn giờ để tắt máy.

Làm gì để tiết kiệm điện?

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) liên tục có những khuyến cáo đối người dùng nhằm đảm bảo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Miền Bắc đang những ngày hè và là mùa cao điểm sử dụng điện, đặc biệt trong sinh hoạt và sản xuất. Thời tiết nóng nực khiến nhu cầu sử điện cho các thiết bị làm mát lên cao, vì vậy lượng điện tiêu thụ cũng tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều người thực hiện làm việc ở nhà, thay vì đến cơ quan.

EVN khuyến nghị người dùng cần thay đổi thói quen sử dụng các đồ dùng điện, đặc biệt đối với các thiết bị có mức tiêu thụ điện lớn như: điều hòa và tủ lạnh.

Cụ thể, điều hòa được EVNNPC khuyến nghị nên để nhiệt độ trong khoảng 25 - 28 độ C. Tủ lạnh không nên để quá nhiều thực phẩm, không đóng mở nhiều lần, không để thực phẩm còn nóng vào tủ lạnh. Trong các loại thiết bị làm mát, điều hòa có mức độ tiêu tốn điện năng lớn nhất; thông thường chiếm từ 30% - 60%, nhiều trường hợp chiếm trên 60% tổng hóa đơn tiền điện.

Do vậy, người dân chỉ nên dùng điều hòa ở mức nhiệt từ 25 - 28 độ C. Thực tế cho thấy, cứ đặt thấp hơn 1 độ C là điện năng tăng 3%. Người dùng nên đặt điều hòa ở mức mát vừa đủ, không quá lạnh vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng mức điện tiêu thụ.

Bên cạnh đó, người dùng nên kết hợp thêm quạt để đối lưu gió đều trong phòng và cảm thấy mát hơn; đảm bảo là phòng điều hòa luôn kín; tránh để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào cục nóng điều hòa; thường xuyên vệ sinh tấm lưới lọc bụi và nên vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ 3 - 6 tháng/lần; tắt điều hòa nếu không sử dụng từ 30 phút trở lên…

Không những vậy, người dùng có thể sử dụng rèm cửa để chắn ánh nắng ban ngày và mở cửa sổ để đón gió mát vào ban đêm. Khi đêm xuống, nhiệt độ sẽ giảm đáng kể so với nhiệt độ ban ngày, thay vì sử dụng điều hòa suốt đêm, mở cửa sổ trong lúc ngủ sẽ tận dụng được luồng khí mát từ gió trời.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp cần bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm hằng ngày, không nên để các thiết bị điện hoạt động không tải.

Đồng thời, đơn vị nên đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện như: lắp đặt thêm các máy biến tần cho hệ thống máy nén, điều hòa công nghiệp, quạt gió, mô tơ có công suất lớn trong dây chuyền sản xuất.

 

Minh Châu

>> xem thêm

Bình luận(0)