Sở Xây dựng TPHCM mới đây vừa có văn bản thông báo cho phép Công ty CP Đầu tư Nam Long (mã: NLG) được bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với 1.690 căn hộ chung cư thuộc một phần dự án Khu dân cư Hoàng Nam (lô F Akari Hoàng Nam) tại phường An Lạc, quận Bình Tân.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, 1.690 căn hộ đủ điều kiện mở bán này ở các thửa đất 401, 402, 403, 404, 405, tờ bản đồ số 106, 112 (phường An Lạc, quận Bình Tân), thuộc một phần dự án Khu dân cư Hoàng Nam do Công ty CP Đầu tư Nam Long làm chủ đầu tư. Trong đó, diện tích đất khu công trình hỗn hợp chung cư cao tầng - thương mại dịch vụ (lô F) là hơn 19.338m2.
Được biết, dự án Khu dân cư Hoàng Nam tại phường An Lạc, quận Bình Tân có tổng diện tích đất hơn 79.876m2, bao gồm lô D, E và F. Trong đó, lô F Akari Hoàng Nam có diện tích đất gần 26.529m2, gồm 4 tòa tháp là AK 7, 8, 9 và AK NEO cao 30 tầng với 1.690 căn hộ được khởi công vào cuối tháng 6/2022.
Công ty CP Đầu tư Nam Long cũng vừa cất nóc 4 tòa tháp trên vào ngày 21/11, bước vào giai đoạn hoàn thiện và dự kiến bàn giao trong quý IV/2024. Theo công bố từ chủ đầu tư Nam Long, giá bán căn hộ tại dự án trên là 45 triệu đồng/m2 (chưa VAT).
Ở diễn biến liên quan, cuối tháng 9/2023, chủ đầu tư đã ký hợp đồng cấp bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai lô F Akari Hoàng Nam với Ngân hàng TMCP Phương Đông chi nhánh TPHCM. Theo đó, tổng số tiền bảo lãnh tối đa cho tất cả các bên nhận bảo lãnh là 3.150 tỷ đồng trong thời gian từ ngày phát hành thư bảo lãnh cho đến khi Nam Long bàn giao nhà ở cho khách hàng và cộng thêm ít nhất 30 ngày. Theo Sở Xây dựng TPHCM, việc thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai được thực hiện nhiều lần.
Lãi ròng quý 3 gấp hơn 8 lần cùng kỳ
Tại báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất quý III/2023 cho thấy, Công ty CP Đầu tư Nam Long ghi nhận doanh thu thuần đạt xấp xỉ 357 tỷ đồng, giảm 525 tỷ đồng, tương ứng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Nam Long ghi nhận khoản lãi 89 tỷ đồng từ công ty liên doanh liên kết, trong khi cùng kỳ bằng 0.
Trong kỳ, bên cạnh doanh thu từ bán bất động sản, hoạt động tài chính cũng là điểm sáng của Nam Long khi ghi nhận 32 tỷ đồng doanh thu, tăng 10%. Ở chiều ngược lại, các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được công ty tiết giảm xuống còn hơn 72 tỷ đồng và gần 125 tỷ đồng, giảm lần lượt 33% và 22% so với cùng kỳ.
Kết quả, Nam Long báo lãi sau thuế gần 71 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) đạt vượt hơn 66,3 tỷ đồng, gấp 8,4 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Theo lý giải từ Nam Long, phần lớn doanh thu trong kỳ được đóng góp từ doanh thu bán nhà ở và căn hộ (chiếm 86% tổng doanh thu của quý). Trong đó, dự án Mizuki là dự án trọng điểm bàn giao trong kỳ nhưng do thuộc công ty liên doanh nên không hợp nhất doanh thu mà chỉ ghi nhận phần lợi nhuận phân bổ về. Cùng đó, lợi nhuận sau thuế tăng so với cùng kỳ năm 2022 chủ yếu do tăng phần lãi nhận từ công ty liên doanh Mizuki.
|
Gần 1.700 căn hộ Akari Hoàng Nam được “bán nhà trên giấy”, doanh thu Nam Long thế nào? (ảnh minh họa: Internet). |
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Công ty CP Đầu tư Nam Long ghi nhận ở mức hơn 1.545 tỷ đồng, giảm sâu đến 43% so với doanh thu gần 2.710 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu doanh thu, nguồn thu chủ yếu của Nam Long đến từ doanh thu bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự đạt 1.359 tỷ đồng; số còn lại đến từ doanh thu cung cấp dịch vụ đạt gần 134 tỷ đồng; thu nhập từ cho thuê bất động sản đầu tư đạt 30,1 tỷ đồng; còn lại là doanh thu từ dịch vụ xây dựng.
Nhờ khoản lãi đột biến trong quý III, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Nam Long ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 318 tỷ đồng (tăng trưởng 15,5%), trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) đạt gần 194 tỷ đồng, tăng gần 63% so với cùng kỳ năm trước.
Tồn kho hơn 16.800 tỷ
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Nam Long ghi nhận ở mức 27.693 tỷ đồng, tăng 2% so với thời điểm đầu năm. Trong cơ cấu tài sản, tổng giá trị hàng tồn kho của Nam Long đến cuối quý III/2023 lên đến hơn 16.800 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó phần lớn nằm ở các dự án bất động sản dở dang.
Trong số đó, tồn kho ở dự án Izumi với hơn 9.000 tỷ đồng (tăng gần 9% so với đầu năm); tồn kho ở dự án Waterpoint giai đoạn 1 là 3.556 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 1.527 tỷ đồng; dự án Hoàng Nam (Akari) hơn 1.047 tỷ đồng…
Trong khi đó, nợ phải trả của Nam Long tăng 6%, từ 13.769 tỷ đồng lên 14.559 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngắn hạn và dài hạn đạt hơn 5.662 tỷ đồng, tăng 9%. Điểm sáng là số tiền người mua trả trước ngắn hạn tăng 2%, lên hơn 3.322 tỷ đồng (là các khoản ứng trước từ khách hàng có nhu cầu mua căn hộ, nhà phố, biệt thự và đất nhưng chưa nhận bàn giao). Nam Long cũng có hơn 2.677 tỷ đồng tiền nhàn rỗi là tiền mặt và các khoản tiền gửi ngân hàng.
Chủ nợ lớn nhất của Nam Long về phía ngân hàng là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với tổng dư nợ hơn 1.103 tỷ đồng; OCB còn “ôm” 500 tỷ đồng trái phiếu của Nam Long. Ngoài ra, các khoản vay lớn còn có Ngân hàng Sumitomo Mitsui Bank hơn 556 tỷ đồng và Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam (gần 375 tỷ đồng)…
Tại thời điểm 30/9/2023, vốn chủ sở hữu của Nam Long ghi nhận giảm 182 tỷ đồng so với đầu năm, ở mức 13.133 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ gần 3.841 tỷ đồng; khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt hơn 2.589 tỷ đồng…