Trước động thái tăng lãi suất cho vay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang tiếp tục căng thẳng, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh chính là cơ sở để FED tăng lãi suất.
Đáng lưu ý, khi lãi suất tăng thì đồng USD cũng tăng giá so với các đồng tiền khác, đồng thời tác động đến kinh tế Mỹ và thế giới.
Đối với Mỹ, USD tăng giá làm chi phí sản xuất kinh doanh, tiền lương, tiền công của Mỹ đắt hơn, hàng hóa sản xuất ra đắt hơn, từ đó nó khuyến khích hàng nhập khẩu vào Mỹ và giảm dần hàng xuất khẩu của Mỹ ra thế giới.
"Nếu kinh tế Mỹ giữ được tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì có thể cuối năm nay hoặc sang năm 2019, FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, sau đó Mỹ sẽ phải dừng việc tăng lãi suất, thậm chí phải giảm lãi suất vì khi lãi suất huy động cao sẽ khiến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Mỹ trên thế giới giảm, xuất khẩu của Mỹ đắt lên, lượng xuất khẩu ra thế giới đi xuống", ông Thịnh nói.
Đối với các nước khác, USD tăng giá khiến các đồng tiền khác mất giá một cách tương đối, sản xuất của các nước trên thế giới được kích thích. Quốc gia nào gắn chặt đồng tiền của mình với đồng USD thì đồng tiền của quốc gia đó cũng lên giá so với các đồng tiền khác trên thế giới và nó cũng gây trở ngại đến việc sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của quốc gia đó.
|
Việc FED điều chỉnh lãi suất tăng giúp cho đồng USD lên giá. Ảnh: Shutterstock. |
Tại Việt Nam, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Ngân hàng Nhà nước đang điều hành tỷ giá bằng tỷ giá trung tâm và tỷ giá này được thay đổi hàng ngày dựa vào sự biến động của rổ 8 loại ngoại tệ của các quốc gia có quan hệ thương mại, đầu tư lớn với Việt Nam, tỷ giá bình quân liên ngân hàng và cân đối vĩ mô.
Bởi tỷ giá trung tâm được điều chỉnh hàng ngày nên USD có biến động mạnh so với các ngoại tệ khác, thì tỷ giá VND/USD vẫn tương đối ổn định. Nếu USD lên giá thì VND sẽ mất giá so với USD nhưng mức độ không đáng kể vì VND gắn tương đối chặt với đồng USD.
"USD lên giá thì VND cũng lên giá so với các đồng tiền không gắn chặt với USD. Xuất khẩu của Việt Nam ra một số thị trường sẽ gặp khó khăn, vì thế việc xem xét đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa phải có sự quan tâm thỏa đáng, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu.
Ở thời điểm này, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ một số quốc gia tương đối rẻ và nếu xuất đi vẫn tính bằng USD thì Việt Nam được lợi. Nhưng đối với một số quốc gia có đồng tiền không gắn chặt mấy với USD và bị mất giá nhiều so với USD, khi Việt Nam xuất khẩu bằng đồng tiền của quốc gia đó sẽ bị thiệt.
Vì lẽ đó, các doanh nghiệp phải đổi mới cơ cấu tổ chức sản xuất, mẫu mã, chất lượng hàng hóa, tìm cách nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm để đẩy mạnh cạnh tranh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải xem xét, ký kết các hợp đồng xuất nhập khẩu bằng đồng tiền nào cho hợp lý trong điều kiện USD lên giá và một số đồng tiền khác có thể mất giá so với USD.
Doanh nghiệp phải xem xét nhập nguyên liệu, hàng hóa bằng đồng tiền nào để có lợi, làm chi phí sản xuất giảm đi. Đổi mới cơ cấu tổ chức sản xuất, quy trình quản lý để nâng cao năng suất lao động phải được các doanh nghiệp đặt ra như yêu cầu bắt buộc.
Về phía Nhà nước, dù đã có tỷ giá trung tâm thay đổi hàng ngày nhưng cũng cần quản lý tỷ giá này vì tâm lý thị trường khác với thực tế.
Nhiều nhà kinh tế nói USD lên giá như thế thì VND phải mất giá nhiều và các nhà đầu tư, đầu cơ sẵn sàng mua rất vào đồng USD với số lượng lớn vì sợ USD sẽ tiếp tục tăng giá. Vì thế, việc Nhà nước điều chỉnh và có biện pháp xử lý rất quan trọng", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Tái khẳng định việc FED tăng lãi suất không tác động quá xấu đến kinh tế Việt Nam, thậm chí còn tác động tốt vì Mỹ là đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế thế giới, một khi kinh tế Mỹ tăng trưởng, kéo theo kinh tế thế giới tăng trưởng song vị chuyên gia vẫn tỏ ra hết sức thận trọng.
Lý giải cho sự thận trọng này, ông Thịnh cho biết , khi USD lên giá, hàng hóa tính bằng USD sẽ chịu tác động. Đầu vào sản xuất của những hàng hóa tính bằng USD như dầu mỏ, một số nguyên liệu sắt thép, đồng, nhôm, chì... cũng lên giá theo khiến đầu vào cho sản xuất của một số ngành nghề liên quan cũng tăng lên.
Khi USD lên giá một mức độ nhất định nó sẽ có tác động ngược trở lại làm cho nền sản xuất Mỹ trì trệ, sản xuất thế giới trì trệ và từ đó có thể xảy ra biến cố lớn trong kinh tế tài chính nói riêng và kinh tế nói chung.
"Không ít ý kiến lo ngại rằng, niềm tin tiêu dùng, chỉ số tiêu dùng của người Mỹ tăng lên là rất tốt, thúc đẩy cầu hàng hóa nhưng cái đảm bảo cho tiêu dùng của người Mỹ lại được bù đắp rất lớn bởi vay nợ nước ngoài, nói cách khác, người Mỹ đang tiêu dùng nhiều hơn mức họ sản xuất ra. Hệ quả là, có một số dự báo khủng hoảng tài chính có thể xảy ra ở Mỹ trong hai, ba năm tới", vị chuyên gia cho biết.
Nhìn vào diễn biến của thị trường tài chính-tiền tệ thế giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý đến một diễn biến khác, đó là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm giá một thời gian dài.
Mặt tích cực của việc này là giá nguyên vật liệu, hàng hóa Việt Nam mua từ Trung Quốc bằng nhân dân tệ sẽ rẻ hơn, từ đó mở rộng và kích cầu tiêu dùng của Việt Nam.
Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ giảm giá cũng mở đường cho hàng Trung Quốc đi sâu vào lãnh thổ Việt Nam và hàng Trung Quốc dễ dàng thâm nhập vào thị trường Việt Nam hơn.
"Trước đây hầu hết hợp đồng chính thức giữa doanh nghiệp Việt với Trung Quốc thường ký bằng USD, nếu vẫn giữ như thế Việt Nam không được gì, thậm chí bị thiệt. Do đó, thời gian tới, doanh nghiệp nên chuyển hợp đồng nhập khẩu từ USD sang nhân dân tệ thì sẽ lợi hơn.
Nhưng một điều khác, nếu hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là hàng tiêu dùng thì nó sẽ khiến người dân mua nhiều hơn, gây sức ép với doanh nnghiệp trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thị trường.
Doanh nghiệp phải làm thế nào cho hàng hóa giá rẻ hơn nữa, chất lượng cao hơn, mẫu mã bắt mắt thì mới tồn tại được", ông Thịnh nói rõ.