Eximbank và những kỷ lục chưa từng có trong lịch sử ngân hàng Việt Nam

Google News

“Cuộc chiến” nhân sự cấp cao tại ngân hàng Eximbank (mã CK: EIB) ngày càng rắc rối. Trước thềm ĐHCĐ, một sự kiện kì lạ diễn ra khi Chủ tịch HĐQT Eximbank - Yasuhiro Saitoh bị miễn nhiệm chức danh rồi lại bầu trở lại làm Chủ tịch HĐQT Eximbank chỉ trong 55 phút.

Kỷ lục 2 năm, 8 lần đổi “ghế nóng”
Sự kiện diễn ra ngày 13.4 mới đây gây xôn xao trong giới ngân hàng khi chỉ chưa đầy 1 tiếng, ngân hàng Eximbank 3 lần đổi “ghế nóng”, từ Yasuhiro Saitoh, sang Nguyễn Quang Thông và quay trở lại Yasuhiro Saitoh.
Theo Thông báo ngày 13/4, HĐQT họp và ban hành 2 nghị quyết liên quan Đơn từ nhiệm của Chủ tịch Yasuhiro Saitoh. HĐQT đã họp bầu Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Thông tạm thời làm Chủ tịch để chủ tọa cuộc họp cho đến khi bầu được Chủ tịch mới. Các cuộc họp đã diễn ra từ 10h15’ đến 11h10’.
Kết quả, “Chủ tịch tạm thời” Nguyễn Quang Thông ký Nghị quyết 156 miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Yasuhiro Saitoh.
Tiếp đó, lại ra Nghị quyết 157 bầu ông Yasuhiro Saitoh vừa bị miễn nhiệm trở lại chức Chủ tịch HĐQT và do chính ông Yasuhiro Saitoh ký.
Trước đó, EIB từng có 5 lần “đổi ghế” Chủ tịch trong hơn 1 năm, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, trở lại ông Lê Minh Quốc, sang ông Cao Xuân Ninh, rồi về ông Yasuhiro Saitoh.
Cộng với 3 lần “đổi ghế” vừa diễn ra, EIB đi vào lịch sử ngân hàng với 8 lần “đổi ghế ” chỉ trong khoảng 2 năm.
“Kỷ lục” làm Chủ tịch trong 55 phút
Những tưởng bà Lương Thị Cẩm Tú ghi “kỷ lục” ngồi “ghế nóng” ngắn nhất trong lịch sử EIB là 5 ngày. Tuy nhiên, với sự kiện kinh ngạc sáng 13.4 vừa qua, “kỷ lục” đó đã bị ông Nguyễn Quang Thông phá vỡ với thời gian đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT ngân hàng là... 55 phút (từ 10h15’ – 11h10).
Eximbank va nhung ky luc chua tung co trong lich su ngan hang Viet Nam
Ghế nóng lãnh đạo cấp cao của Eximbank liên tục thay đổi trong thời gian qua. Đồ hoạ: HN 
Ghế nóng lãnh đạo cấp cao của Eximbank liên tục thay đổi trong thời gian qua. Từ trái qua phải là ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Yasuhiro Saitoh, bà Lương Thị Cẩm Tú. Đồ hoạ: HN
Tính đến thời điểm hiện tại Eximbank đã 2 năm, 9 lần dời, hoãn hoặc tổ chức bất thành ĐHĐCĐ. EIB trở thành ngân hàng duy nhất không tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên 2019, không có Tổng Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật, Kế toán trưởng.., 7 năm liền cổ đông không được chia cổ tức, hiện 8/9 thành viên HĐQT Eximbank đang bị các nhóm cổ đông kiến nghị bãi nhiệm...
Câu hỏi trách nhiệm?
Chìm trong tranh đấu quyền lực kéo dài, mất đoàn kết nội bộ, EIB từ một ngân hàng top đầu, trở thành một nhà băng ở nhóm sau, với lợi nhuận thua xa những “đàn em” một thời như OCB, TPBank, VIB...
Ngày 5.12.2019, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm về hành vi “không tổ chức hoặc tổ chức ĐHĐCĐ không đúng qui định” đối với các ông: Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh, Nguyễn Quang Thông, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết và Yasuhiro Saitoh.
Ngày 18.12.2020, Kết luận thanh tra của NHNN xác định hành loạt vi phạm Luật Doanh nghiệp, Luật Các TCTD và Điều lệ EIB tại EIB trên tất cả các nội dung thanh tra thời kỳ từ 1.1.2017 đến 30.9.219.
Trong đó, HĐQT chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn; Chưa kịp thời bổ nhiệm kế toán trưởng; Chưa báo cáo NHNN về việc thay đổi Tổng giám đốc – Người đại diện theo pháp luật; Chưa xây dựng hoàn thiện mô hình tổ chức, quy chế hoạt động của các tiểu ban; Chưa chuẩn bị và phê duyệt đầy đủ nội dung trình ĐHĐCĐ thông qua năm 2019 theo quy định...
Chủ tịch Lê Minh Quốc chưa thực hiện đầy đủ việc đánh giá thành viên HĐQT, đánh giá kết quả hoạt động của các ủy ban thuộc HĐQT... Trong quá trình triệu tập và tổ chức các cuộc họp HĐQT đã liên tục dời, hoãn, không tổ chức họp theo quy định, thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm Chủ tịch HĐQT; ký văn bản từ chối kiến nghị của SMBC là chưa đúng quy định, vi phạm quyền của cổ đông...
Chủ tịch Cao Xuân Ninh chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn trong phân công nhiệm vụ đối với các thành viên HĐQT.
Các thành viên chưa thực hiện đầy đủ quy định tham dự các cuộc họp HĐQT, không thực hiện ủy quyền khi vắng mặt.
Về Biên bản họp HĐQT ngày 15.5.2019 (ban hành Nghị quyết 231) gây tranh cãi, NHNN cho rằng “thiếu chữ ký của thư ký cuộc họp và 3/8 thành viên dự họp tại thời điểm ký ban hành nghị quyết dẫn đến nội dung, hình thức biên bản họp chưa đầy đủ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, Nghị định số 71 và Quy chế quản trị nội bộ EIB, việc các thành viên dự họp không ký biên bản sẽ ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu đối với nội dung được thông qua trong cuộc họp”.
Vẫn theo kết luận thanh tra: “Do thiếu phối hợp trong chỉ đạo điều hành, mất đoàn kết, chưa có Tổng Giám đốc và Người đại diện theo pháp luật; EIB không tổ chức được ĐHĐCĐ, vì vậy đã ảnh hưởng tới tình hình hoạt động, hình ảnh của đơn vị niêm yết, suy giảm nghiêm trọng lòng tin cổ đông trong nước và nước ngoài, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng uy tín của NHNN, tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho EIB”.
Sau thanh tra, EIB tiếp tục rơi vào tình trạng mất đoàn kết, quyền cổ đông tiếp tục bị vi phạm; khiếu nại, tố cáo...
Theo An Ngọc/Lao động

>> xem thêm

Bình luận(0)