Như Kiến Thức đã phản ánh, thông tin hai gói thầu dự án “Cải tạo sửa chữa và lắp đặt thiết bị hai sân chơi B1, C8 khu tập thể Kim Liên và sân ngõ 243 Hoàng Tích Trí”; “Cải tạo sửa chữa và lắp đặt thiết bị 2 sân chơi C3, B5 khu tập thể Kim Liên”, do UBND phường Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) làm chủ đầu tư, nhưng chỉ có "bộ ba" nhà thầu "quen mặt" tham gia đấu thầu. Sau đó, duy nhất liên danh Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Dịch vụ Đức Kiên - Công ty TNHH thiết bị giáo dục Hà Lân trúng thầu đang gây xôn xao dư luận.
|
Mặc dù dự án “Cải tạo sửa chữa và lắp đặt thiết bị hai sân chơi B1, C8 khu tập thể Kim Liên và sân ngõ 243 Hoàng Tích Trí” chưa được nghiệm thu, nhưng sân chơi B1 đã bị người dân lấn chiếm làm nơi kinh doanh, một số thiết bị lắp đặt thì hư hỏng. |
Cần thanh tra hoạt động đấu thầu ở phường Kim Liên
Dưới góc độ pháp lý của sự việc, trao đổi với với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (thuộc đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hoạt động đấu thầu là để đảm bảo công bằng, hiệu quả trong các dự án, đảm bảo quản lý kinh tế, tránh thất thoát và đảm bảo công bằng trong hoạt động đầu tư, xây dựng, quản lý tài sản Nhà nước.
Theo đó, Điều 89 Luật đấu thầu 2013 quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu là lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu và thông thầu như các hành vi: Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu; Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu; Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.
Ngoài ra, Điều 89 Luật đấu thầu 2013 cũng cấm các hành vi gian lận; cản trợ; không bảo đảm công bằng, minh bạch,…trong đấu thầu.
Trước việc dư luận có nghi ngờ hoạt động đấu thầu ở phường Kim Liên có vi phạm, luật sư Cường cho rằng cơ quan thanh tra hoặc cơ quan điều tra có thể vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc để có kết luận chính thức về gói thầu đó.
|
Mặc dù gói thầu cải tạo sân và lắp đặt thiết bị sân chơi công cộng ở phường Kim Liên mời thầu rộng rãi trong cả nước, nhưng lại chỉ có "bộ ba" nhà thầu "quen mặt" đến mua và nộp hồ sơ dự thầu. Sau đó, duy nhất liên danh Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Dịch vụ Đức Kiên - Công ty TNHH thiết bị giáo dục Hà Lân trúng cả hai gói thầu. |
“Trường hợp, cơ quan chức năng kết luận đã có tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của luật đấu thầu thì tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan”, - luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Cường nói và viện dẫn: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Điều 121 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thì các hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu được quy định cụ thể như sau:
Cảnh cáo, phạt tiền được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương II Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
Cấm tham gia hoạt động đấu thầu được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Điều 89 của Luật Đấu thầu và Khoản 8 Điều 12 của Nghị định này;
Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu mà cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật về hình sự;
Đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
“Như vậy, trường hợp nêu trên, cơ quan tổ chức có liên quan trong hoạt động đấu thầu có thể cung cấp thông tin, giải trình các câu hỏi, nội dung vướng mắc đối với các cơ quan truyền thông cũng như cơ quan chức năng”, - luật sư Cường chia sẻ.
|
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp. |
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, đối với gói thầu “Cải tạo sửa chữa và lắp đặt thiết bị hai sân chơi B1, C8 khu tập thể Kim Liên và sân ngõ 243 Hoàng Tích Trí”; “Cải tạo sửa chữa và lắp đặt thiết bị 2 sân chơi C3, B5 khu tập thể Kim Liên”, khi cơ quan chức năng vào cuộc xác định có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự, cụ thể hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” thì vụ việc sẽ được xử lý bằng các chế tài hình sự.
Theo đó, người nào thực hiện các hành vi như: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép mà gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Trường hợp phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
|
UBND phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. |
Như vậy, khi hành vi vi phạm trong đấu thầu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” thì mức hình phạt cao nhất mà người phạm tội có thể bị áp dụng có thể lên đến 20 năm tù.
“Sự trùng hợp nhà thầu trong hoạt động đấu thầu dự án công cộng ở phường Kim Liên dễ khiến dư luận nghi ngờ về tính công bằng, minh bạch của hoạt động đấu thầu. Bởi vậy, để xác định được vụ việc đúng hay sai thì cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xác minh làm rõ và có kết luận chính thức thì mới có căn cứ để thực hiện các thủ tục pháp lý tiếp theo theo quy định pháp luật. Còn nếu không có hành vi vi phạm thì việc thực hiện các dự án vẫn theo kết quả đấu thầu đã công bố”, - luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.