Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, H&M thông báo sẽ dừng hoạt động của 250 cửa hàng vào năm tới. Trong một tuyên bố hôm 1/10, H&M cho biết: "Ngày càng nhiều khách hàng bắt đầu mua sắm trực tuyến trong thời gian đại dịch".
H&M hiện có 5.000 cửa hàng trên toàn thế giới, hãng lên kế hoạch đóng cửa 250 cửa hàng trong năm tới, chiếm 5% tổng số cửa hàng của họ.
H&M thành lập vào năm 1947 tại Thụy Điển và được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq Stockholm.
|
H&M sẽ đóng 250 cửa hàng vào năm tới. Ảnh: Reuters |
Tại Việt Nam hiện H&M có 9 cửa hàng bán lẻ, trong đó 4 tại Hà Nội, 4 tại TP HCM và 1 cửa hàng ở Đà Nẵng.
Các cửa hàng H&M Hà Nội có địa chỉ tại Aeon Hà Đông, Vincom Nguyễn Chí Thanh, Vincom Royal City, 72A Nguyễn Trãi và Vincom Times City, 458 Minh Khai.
Cửa hàng H&M tại TP HCM gồm: AEON Tân Phú, Crescent Mall, 101 Tôn Dật Tiên, M15-19 & L2-02, Vincom Center Đồng Khởi, Vincom Thảo Điền, 161 Xa Lộ Hà Nội (Q.2).
Mặc dù chưa rõ các địa điểm mà H&M sẽ đóng cửa trên toàn thế giới. Tuy nhiên, không ít khách hàng cho rằng không loại trừ khả năng H&M tại Việt Nam cũng có thể bị đóng cửa.
Chị Tường Lan (một khách hàng thường xuyên mua đồ H&M tại TP HCM) chia sẻ: "H&M sẽ đóng 250 cửa hàng trong năm tới. Rất có thể nhà mốt này sẽ chuyển sang bán online nhiều hơn để phù hợp với tình hình dịch bệnh. Cũng có thể một số cửa hàng ở Hà Nội hoặc TP HCM cũng sẽ phải đóng cửa. Bởi, thời gian gần đây tôi có ghé qua H&M tại trung tâm mua sắm Aeon Mall Tân Phú (quận Tân Phú) thì thấy cửa hàng khá vắng vẻ."
|
Các cửa hàng H&M tại Việt Nam cũng chịu cảnh vắng vẻ vì đại dịch. Ảnh: Internet |
Cùng suy nghĩ với chị Lan, bạn Hà Trang (một tín đồ thời trang H&M) tiết lộ, trước khi dịch bệnh xảy ra, H&M lúc nào cũng tấp nập khách hàng đến mua sắm. Vì đây được xem là thương hiệu thời trang bình dân khá nổi tiếng sản phẩm của H&M chủ yếu là quần áo may sẵn, giày dép, túi xách…
Hà Trang đoán doanh thu bình thường (trước khi xảy ra dịch bệnh) của H&M tại Việt Nam có thể bị giảm rất nhiều kể từ khi dịch covid-19 xảy ra.
Chị Tuyết Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) lại tỏ ra không quá ngạc nhiên khi H&M đóng cửa tại Việt Nam. Chị Nhung cho rằng, các sản phẩm tại của hàng H&M thường đắt hơn khoảng 30% so với hàng xách tay rao bán trên mạng nên lượng khách mua qua đường order chợ mạng vẫn cao. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh, phần lớn khách hàng sẽ phải cắt giảm chi tiêu. Nhiều người sẽ không mua tại cửa hàng mà đặt hàng xách tay để tiết kiệm chi phí.
Trong khi đó, bạn Nam Giang lại thường xuyên vào cửa hàng H&M chỉ để thử đồ trước khi quyết định mua hàng qua các đầu mối order trên mạng. Nam Giang tiết lộ sẽ hơi buồn nếu như cửa hàng H&M đóng cửa. Giang nói: "Trước đây mua hàng order chỉ có thể nhìn được trên ảnh chụp, nhiều lúc hàng mua về không hề đúng như ý mình mong muốn, nhưng từ khi có cửa hàng của hãng, việc thử đồ dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên do chênh lệch về giá nên mình thường cân nhắc việc mua trực tiếp tại cửa hàng. Thời gian tới, nếu cửa hàng H&M đóng cửa, chắc chắn là việc chọn mua đồ của mình sẽ khó hơn".
Trái lại, cũng có ý kiến cho rằng, Việt Nam hiện được xem là nơi an toàn về dịch bệnh, H&M sẽ cố gắng duy trì các cửa hàng tại đây. Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế, dù chưa thể tác động ngay nhưng vẫn là thông tin tốt cho thị trường.