Doanh thu lớn nhưng lợi nhuận mỏng, Solar Cons giảm mạnh tài sản

Google News

Giá trị trúng thầu khủng hơn 631 tỷ đồng, Solar Cons luôn báo doanh thu lớn nhưng lợi nhuận khá mỏng. 

Công ty CP Công nghệ xây dựng Solar Cons (địa chỉ tại Khu phố 5, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP HCM) thành lập năm 2010; lĩnh vực kinh doanh là xây lắp; ông Nguyễn Quang Khoa là người đại diện pháp luật.
Theo tìm hiểu của PV, công ty được phê duyệt trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngày 12/9/2014; đã tham gia 68 gói thầu, trong đó trúng 61 gói, trượt 4 gói, 3 gói chưa có kết quả; tổng giá trị trúng thầu hơn 631 tỷ đồng (trúng độc lập hơn 199 tỷ đồng, có trên 10,6 tỷ là các gói chỉ định thầu).
Gần đây nhất vào ngày 20/9/2024, Solar Cons đã trúng gói thầu Xây dựng (Bao gồm: giao thông; thoát nước; hệ thống chiếu sáng và đèn tín hiệu giao thông; di dời lưới điện; đường dây trung thế và trạm biến áp 1x25KVA cấp nguồn hệ thống chiếu sáng; thiết bị; đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công và dự phòng) thuộc dự án Nâng cấp, mở rộng đường 30 tháng 4, phường Bình Thắng, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương do CTCP Tư vấn thiết kế Xây dựng Việt Trẻ mời thầu Đấu thầu rộng rãi với vai trò liên danh chính của CTCP Công nghệ xây dựng Solar Cons. Cùng tham gia có 2 nhà thầu khác. Giá trúng thầu của gói này 75 tỷ đồng trong thời gian 224 ngày.
Solar Cons là khách hàng thường xuyên của một số bên mời thầu: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Công nghệ Xây dựng Quang Minh; Công ty TNHH Một thành viên Tư vấn Xây dựng Phước Tấn; Công ty TNHH xây dựng Kiến Tạo Xinh,…
Dù là có trụ sở tại số 18 Đường 17, Khu Phố 5, Phường Linh Tây, Quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh nhưng Solar Cons luôn tham gia các gói thầu tại Bình Dương với 35 gói, trong số đó có 30 gói thầu trúng với tổng giá trị trúng gần 484 tỷ đồng; còn lại tại khu vực TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An,...
Doanh thu lon nhung loi nhuan mong, Solar Cons giam manh tai san
 


Lãi mỏng, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm
Về năng lực tài chính, trong 2 năm gần đây, Solar Cons báo doanh thu lớn nhưng lợi nhuận khá mỏng. Trong năm 2022, Solar Cons ghi nhận doanh thu hơn 131 tỷ đồng nhưng lãi chỉ 166 triệu đồng.
Còn trong năm 2023, doanh thu gần 45 tỷ đồng, sụt giảm đến 66% so với năm trước. Trong khi đó giá vốn hàng bán chiếm đến 95% doanh thu nên lãi gộp vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng, giảm 64% so năm trước. Nhờ chi phí quản lý kinh doanh giảm đột ngột từ hơn 6,18 tỷ về 1,69 tỷ đồng nên sau khi trừ các chi phí và thuế, Solar Cons báo lãi hơn 500 triệu đồng trong năm 2023. Tuy vậy lợi nhuận lũy kế tính đến cuối năm chỉ hơn 611 triệu đồng, còn thấp hơn so với con số 620 triệu của năm 2022.
Đáng lưu tâm là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2023 của Solar Cons lại âm hơn 5,8 tỷ đồng trong khi năm 2022 con số này ghi nhận dương hơn 10 tỷ đồng. Trong năm 2023, Solar Cons chi trả cho người lao động gần 3,7 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Hơn nữa doanh nghiệp còn "vung tay" chi gần 50 tỷ đồng chi khác vào hoạt động kinh doanh.
Còn về phần tài sản, tại ngày 31/12/2023, tài sản của Solar Cons lao dốc 65% từ 89 tỷ đồng về còn 31 tỷ đồng nguyên nhân do giảm khoản phải thu khách hàng về còn 9 tỷ từ mức 68 tỷ đồng. Năm 2022 con số khoản phải thu ở mức đến 68 tỷ đồng, chiếm đến 76% tài sản, đây chính là rủi ro cực kỳ lớn đối với một doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong thầu xây dựng bởi vì tài sản của doanh nghiệp bị nắm giữ bởi người khác.
Hàng tồn kho trong năm trước lại tăng đột biến gấp 5 lần lên hơn 7 tỷ đồng, điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp nếu không được kiểm soát và giải quyết kịp thời. Hàng tồn kho tăng đột biến thường sẽ có nhiều nguyên nhân do dự án xây dựng chậm tiến độ làm giảm nhu cầu tiêu thụ vật liệu, gây áp lực lên kho hàng. Tồn kho tăng đột biến có thể làm gia tăng chi phí lưu kho, quản lý hàng hóa gây áp lực lên dòng tiền, đồng thời làm giảm tính thanh khoản.
Ngoài ra, nợ phải trả của Solar Cons tại ngày 31/12/2023 đã giảm về mức 21,6 tỷ đồng từ mức 79 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu trong năm 2022 là 8 lần, còn hệ số này trong năm 2023 đã được cải thiện về mức 2 lần.
Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao.
Minh Châu

>> xem thêm

Bình luận(0)