Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ Tướng Chính Phủ và Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, vào ngày 20/3/2020, đại diện công ty Golf Long Thành đã thay mặt vợ chồng Cựu chiến binh Lê Văn Kiểm (Chủ tịch Công ty), Trần Cẩm Nhung (Phó Chủ tịch Công ty) trao số tiền 20 tỷ đồng.
Trong đó, 10 tỷ đồng của bà Trần Cẩm Nhung ủng hộ chương trình phòng chống dịch Covid-19 của Chính Phủ; 10 tỷ đồng của cựu chiến binh Lê Văn Kiểm ủng hộ chương trình phòng chống xâm nhập mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Ông Lê Văn Kiểm là một trong những doanh nhân Việt đi đầu thời mở cửa kinh tế những năm 1980, là người đã trải qua thăng trầm của hai cuộc khủng hoảng kinh tế lớn trong suốt 3 thập niên qua.
|
Vợ chồng doanh nhân Lê Văn Kiểm ủng hộ 20 tỷ chống dịch COVID-19, hạn mặn.
|
Sinh năm 1945 tại Thừa Thiên Huế, ông Kiểm tốt nghiệp đại học và có bằng kỹ sư. Tuy là con liệt sỹ nhưng ông vẫn tình nguyện gia nhập quân đội, tham gia kháng chiến. Ông từng đi vào chiến trường Lào, Campuchia và chiến trường B2.
Sau ngày 30/4/1975, ông được tham gia tiếp quản Bộ Giao thông Công chánh của chính quyền chế độ cũ và công tác tại Ủy Ban Quân quản Thành phố Sài Gòn Gia Định.
Sau đó ông được bổ nhiệm làm Phó Ban Kiến thiết cầu đường bộ miền Nam. Trong quá trình làm việc đó, ông đã có cơ hội học và xử lý công việc của các người chủ công ty tư nhân. Từ đó, ông đã muốn làm thử kinh doanh theo mô hình kinh tế tư nhân.
Cho tới cuối thập niên 1970, kinh tế cả nước chật vật khó khăn, vợ chồng ông quyết định làm thức ăn gia súc để cung ứng cho thị trường. Đó là năm 1978, đánh dầu bước khởi nghiệp kinh doanh đầu tiên. Ông bà bán chiếc xe Honda duy nhất lúc bấy giờ, mua một chiếc mô tơ chế tạo máy trộn thức ăn gia súc.
|
Vợ chồng ông Lê Văn Kiểm. |
Cơ sở sản xuất thức ăn gia súc nhãn hiệu Huy Hoàng của gia đình ông Kiểm hoạt động “chui” tại địa chỉ nhà riêng ở 39, Phan Xích Long, Phú Nhuận.
Một thời gian sau, sản phầm Huy Hoàng xuất hiện khắp nơi. Vợ chồng ông Kiểm nghiên cứu sản phẩm kế tiếp, ép dầu từ hạt cao su để làm sơn. Hạt cao su được thu mua ở khắp miền Nam về ép lấy dầu để sản xuất sơn, còn bã thì làm phân bón. Riêng tiền bán bã ép đã đủ trả tiền mua hạt, nhân công. Công việc nhiều, vợ chồng ông Kiểm thuê các nơi khác gia công cho mình.
Sau sơn đến sản xuất bột màu xây dựng, gia đình ông Kiểm tiếp tục nghiên cứu sản xuất ngay trong nhà. Việc kinh doanh “1 lời 10” khiến cho ông tích lũy được tới cả ngàn cây vàng. Vào khoảng năm 1984 – 1985, ông Kiểm đưa Huy Hoàng lên thành một công ty tư nhân đầu tiên.
Đây là thời kỳ bắt đầu mở cửa, Việt Nam nhận được rất nhiều đơn hàng may mặc theo kiểu “hàng đổi hàng” với thị trường Đông Âu. Ông Kiểm cho biết, giữa 1988 – 1990, Huy Hoàng là công ty đầu tiên đầu tư đồng bộ hiện đại dây chuyền sản xuất với máy móc thiết bị nhập từ Nhật, không chỉ làm gia công mà còn xuất khẩu trực tiếp theo phương thức FOB. Xuất hàng may mặc, đổi lấy xi măng, sắt thép và nhiều loại hàng hóa khác nhập khẩu về nước, ông Kiểm kể, việc đổi hàng thường là lời “1 ăn 5”.
Công ty may Huy Hoàng đã được đánh giá là công ty tư nhân may mặc lớn nhất tại Việt Nam thời gian ấy, tuy nhiên cuộc khủng hoảng những năm 1997 đã khiến công ty có những lúc đã đứng trên bờ vực của sự phá sản.
Khởi nghiệp từ tay trắng, thành công vượt bậc năm 1990, để rồi suýt mất sạch trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, ông Kiểm không chỉ tránh được vòng lao lý mà còn duy trì được một cơ nghiệp khổng lồ và được phong danh hiệu Anh hùng Lao động.
|
Ông Lê Văn Kiểm. |
Năm 2001, ông quyết định xây dựng sân Golf Long Thành với kinh phí đầu tư trên 600 tỷ đồng, diện tích 340 ha. Hiện nay, sân Golf thu hút hơn 800 lao động, 30% CBCNV trong công ty là con em các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ hoặc đã từng tham gia bộ đội tại địa phương, thu nhập bình quân của CBCNV trên 2.000.000 đồng/người/tháng.
Những trầm lắng trong sự nghiệp kinh doanh có lẽ là một phần lý do khiến ông Kiểm và bà Nhung tập trung nhiều thời gian và tiền bạc vào công việc từ thiện và xã hội. Ông bà bắt đầu xây dựng nhà tình nghĩa từ những năm đầu thập niên 1990, những hoạt động từ thiện được chú trọng nhiều hơn sau thời điểm đã vượt khó khăn. Tổng số tiền từ thiện mà gia đình ông Kiểm đóng góp bằng nhiều hình thức đã lên đến 400 tỷ đồng, theo thống kê của công ty. Năm 2008, ông kiểm được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Trong một cuốn sách viết về gia đình ông mang tên “Cả cuộc đời bình dị một chữ Nhân” của nhà xuất bản Thông Tấn Xã có rất nhiều lưu bút của các vị lãnh đạo hàng đầu Đảng và Chính phủ, kể cả các vị đương chức, khen ngợi những đóng góp của ông Kiểm. Ngoài ra, còn có thư cảm ơn của Thủ tướng Lào và Thủ tướng Camphuchia về những hoạt động từ thiện mà ông thực hiện ở những nước này. Ông Kiểm coi việc làm từ thiện ở Campuchia như một sự đền ơn đáp nghĩa mang tính quốc gia. Ông tổ chức quyên tiền và rủ ông Dương Quốc Minh, Chủ tịch tập đoàn Him Lam cùng xây ngôi trường trị giá 700.000 USD tại quê nhà của ông Hun Sen.