Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là trí tuệ được biểu diễn bằng bất kỳ một hệ thống nhân tạo nào đó. Ứng dụng của trí tuệ nhân tạo bao gồm các tác vụ điều khiển, lập kế hoạch, khả năng trả lời các câu hỏi về chẩn đoán bệnh, nhận dạng chữ viết tay, nhận dạng tiếng nói và khuôn mặt…
Theo các chuyên gia, cùng với sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo đã và đang được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau như lao động, y tế, an ninh, giao thông,… Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở Việt Nam các ứng dụng AI mới đang ở giai đoạn khởi đầu. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự xử lý khéo léo trong việc áp dụng AI, góp phần tối ưu cho nghiệp vụ, chứ chưa phải là thay thế con người hoàn toàn.
|
Ở Việt Nam các ứng dụng AI mới đang ở giai đoạn khởi đầu, các doanh nghiệp cần có sự xử lý khéo léo trong việc áp dụng AI. (Ảnh minh họa). |
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần hiểu rõ năng lực của AI tại thời điểm đầu tư, để đưa ra quyết định đúng đắn. Các doanh nghiệp cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn hình thức đầu tư làm chủ mô hình huấn luyện AI.
Các chuyên gia cho biết, 2 trường hợp ứng dụng có giá trị nhất trong AI là số hóa văn bản, trợ lý ảo, tham gia những tác vụ lặp đi lặp lại…
Từng chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Quang Vinh - Giám đốc Giải pháp doanh nghiệp, Trung tâm Không gian mạng Viettel cho biết, các giải pháp AI hiện nay chỉ mới đáp ứng thử nghiệm và thăm dò, chưa ứng dụng triệt để vào nghiệp vụ của ngân hàng. Các doanh nghiệp ngành tài chính ngân hàng có thể ứng dụng công nghệ chatbot, voicebot để thay thế các phương tiện truyền thống. Các ứng dụng AI hiện cần tập trung vào trải nghiệm khách hàng nhiều hơn.
Để ứng dụng AI, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược, ưu tiên các ứng dụng AI, xây dựng các mẫu thử nghiệm AI, ứng dụng AI một cách chủ động, triển khai mở rộng quy mô, nâng cao tính bền vững của AI.
Điểm mấu chốt trong quy trình ứng dụng AI là khi mang công nghệ tới các doanh nghiệp, làm sao phải chọn quy trình nghiệp vụ phù hợp, có bước ứng dụng AI an toàn.
Việc đưa ứng dụng AI vào doanh nghiệp có 2 dạng. Ông Vinh cho biết, đối với doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ, chúng tôi thường đầu tư tri thức ngành để doanh nghiệp hiểu quy trình nghiệp vụ, các vấn đề mà ngành chuyên môn cần giải quyết. Với doanh nghiệp ngành muốn ứng dụng AI, các đơn vị cần được đào tạo để có sự am hiểu về năng lực AI trong từng giai đoạn. Thông qua trao đổi hai chiều, việc lựa chọn quy trình và phương thức AI sẽ tạo ra kết quả tốt hơn.
Tại một buổi tọa đàm vừa diễn ra, ông Lê Hồng Việt - Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud chia sẻ rằng, từ thực tiễn triển khai các sản phẩm, giải pháp AI cho khách hàng, 3 lợi ích lớn nhất mà AI mang lại cho các doanh nghiệp là: Tăng năng suất lao động, ra quyết định dựa trên dữ liệu theo thời gian.
Dẫn số liệu IBM, 35% doanh nghiệp báo cáo AI đã giúp tăng doanh thu tối thiểu 5%. Điều đó cho thấy ảnh hưởng của AI đang mang đến, tạo ra động lực rất lớn, mang lại năng suất cho doanh nghiệp, giúp tạo ra bước nhảy vọt.