Mục đích hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, doanh nhân về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như tạo diễn đàn gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới của doanh nghiệp với nhà quản lý, đối tác và người sử dụng.
Cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư hay Công nghiệp 4.0 là xu hướng hiện tại tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây, là nền sản xuất thông minh, năng suất lao động vượt trội. Cuộc cách mạng 4.0 tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu, làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất...
|
TS Phạm Văn Tân - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. |
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TS Phạm Văn Tân - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chỉ rõ: Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, cá nhân, đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội và đất nước. Mặc dù cả hệ thống chính trị đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, nhất là khối doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công 4.0.
Theo TS Phạm Văn Tân, trên cơ sở Nghị quyết số 52-NQ/TW, các cơ chế, chính sách, pháp luật được ban hành, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả hơn nữa các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Qua đó thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển bền vững đất nước.
TS Phạm Văn Tân cũng cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp được xác định là đứng ở vị trí trung tâm. Bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ở đâu? Đâu là cơ hội, đâu là thách thức đối với các doanh nghiệp và các doanh nghiệp sẽ phải làm gì để giảm thiểu những tác động tiêu cực, tận dụng tốt nhất cơ hội?
|
TS Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tham dự hội thảo. |
|
TS Nam Nguyễn, Giám đốc phụ trách châu Úc và Đông Nam Á, Viện Malik, St Gallen, Thụy Sĩ thuyết trình tham luận. |
Tại hội thảo các đại biểu cũng được nghe nhiều bài tham luận cung cấp nhiều thông tin mới, được cộng đồng doanh nghiệp tham gia như "Smart Cities - nền tảng sự khởi nghiệp xã hội" của Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an; "Làm chủ cuộc chuyển đổi vĩ đại của thế kỷ 21 - quản lý hệ thống cho các doanh nghiệp và tổ chức hiệu quả" của TS Nam Nguyễn, Giám đốc phụ trách châu Úc và Đông Nam Á, Viện Malik, St Gallen, Thụy Sĩ; Phó Chủ tịch Liên đoàn Nghiên cứu hệ thống quốc tế; "Nông nghiệp Việt Nam với cách mạng công nghiệp 4.0" của TS Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam .
|
Đông đảo các đại biểu đến tham dự hội thảo khoa học Doanh nghiệp, doanh nhân với Cách mạng 4.0. |
Được biết, công nghiệp 4.0 không chỉ là về các máy móc, hệ thống thông minh và được kết nối, mà còn có phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Đồng thời là các làn sóng của những đột phá xa hơn trong các lĩnh vực khác nhau từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử.
Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số”. Trong các nhà máy thông minh này, các hệ thống vật lý không gian ảo sẽ giám sát các quá trình vật lý, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý. Với IoT, các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực, và thông qua IoS thì người dùng sẽ tham gia vào chuỗi giá trị thông qua việc sử dụng các dịch vụ này.