Doanh nhân Trịnh Văn Bô hiến tặng hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng
Doanh nhân Trịnh Văn Bô (1914-1988) quê ở làng Đồng Hoàng, xã Đồng Mai, Thanh Oai, Hà Nội là nhà tư sản dân tộc, là một hình mẫu doanh nhân tiêu biểu, giỏi làm ăn, có đạo đức và một lòng một dạ phụng sự nền độc lập, tự do của dân tộc.
|
Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ thời trẻ. Ảnh: Zing. |
Năm 1932, cụ Trịnh Văn Bô lập gia đình với cụ Hoàng Thị Minh Hồ, con gái một nhà nho và cũng là thương gia giàu có đất Hà Nội xưa.
Vợ chồng cụ Bô là chủ nhân của cửa hiệu buôn vải sợi Phúc Lợi đặt tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. Tầng hai của hiệu Phúc Lợi từng là nơi ở của nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng cấp cao của Việt Nam, trong đó có cả Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến giữa năm 1940, cụ Trịnh Văn Bô được xem là một trong những người giàu có bậc nhất đất Hà Thành. Tên tuổi của cụ Trịnh Văn Bô được biết đến nhiều nhất qua những hoạt động từ thiện và sự đóng góp cho cách mạng Việt Nam.
Đầu năm 1945, doanh nhân Trịnh Văn Bô ủng hộ 100.000 đồng Đông Dương (tương đương 250 cây vàng) cho Mặt trận Việt Minh. Tính đến trước Cách mạng tháng Tám, gia đình cụ Bô đã ủng hộ 85.000 đồng Đông Dương, (tương đương 200 cây vàng) theo thời giá bấy giờ.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, gia đình cụ Bô tiếp tục ủng hộ Quỹ Độc lập 200.000 đồng (tương đương 500 cây vàng). Theo các tài liệu chính thức ghi nhận, gia đình cụ Trịnh Văn Bô đã ủng hộ cho Chính phủ 5.147 lượng vàng (tương đương 2.000.000 đồng Đông Dương, thời giá lúc đó).
Nguyễn Sơn Hà: Ông tổ nghề sơn nước
Không chỉ là một doanh nhân giỏi, cụ Nguyễn Sơn Hà (1894 - 1980) còn là một người dân có lòng yêu nước sâu sắc với rất nhiều đóng góp và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.
|
Cụ Nguyễn Sơn Hà - ông tổ nghề sơn nước. Ảnh: Internet. |
Sinh ra tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Quốc Oai, Hà Nội) cụ Nguyễn Sơn Hà là một trong những doanh nhân hàng đầu của Việt Nam thời Pháp thuộc. Cụ cũng được biết đến như là người khai sinh nghề sản xuất sơn dầu ở Việt Nam.
Là một nhà tư sản có uy tín trong giới công thương thành phố, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà tham gia tích cực các hoạt động của Hội Trí tri, Hội ánh sáng, thành lập Ban Cứu tế, Chi Hội Truyền Bá quốc ngữ. Cụ từng đấu tranh với Pháp, Nhật đòi mở kho tấm cám để cứu đói, đứng ra lập trường Dục Anh tại số nhà 46, phố Lạch Tray để nuôi dạy các em bé mồ côi. Trong "Tuần lễ vàng", cụ và gia đình đã hiến toàn bộ nữ trang với khoảng 10,5 kg cho cách mạng.
Khi người con trai cả Nguyễn Sơn Lâm hy sinh trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến, cụ Nguyễn Sơn Hà quyết định đi theo con đường giải phóng dân tộc, bỏ lại toàn bộ tài sản như nhà xưởng, đồn điền, tiền của.
Sau Cách mạnh tháng Tám, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hải Phòng. Từ đây, cụ có nhiều đóng góp cho cách mạng thông qua những sáng kiến của mình, như làm vải nhựa cách điện, sản xuất giấy than, mực in, vải che mưa, chế tạo lương khô, thuốc ho.
Ngô Tử Hạ - ông chủ nhà in giàu lòng ái quốc
Cụ Ngô Tử Hạ (1882-1973), quê ở Quy Hậu, Kim Sơn, Ninh Bình, rời quê hương nghèo đói lên Hà Nội lập nghiệp, làm thợ cho nhà in của Pháp từ năm 17 tuổi, rồi trở thành một ông chủ nhà in nổi tiếng giàu có.
Yêu nước sâu sắc, cụ Hạ thường giao hảo với những chí sĩ như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn...
|
Cụ Ngô Tử Hạ ngoài cùng bên trái. Ảnh: Internet. |
Cách mạng tháng Tám thành công, cụ Ngô Tử Hạ là người đứng đầu Hội cứu tế, cứu đói của Chính phủ đã hoạt động tích cực, tận tụy vào cuộc đấu tranh chống giặc đói của Nhà nước cách mạng, góp phần vào việc giữ nước trong những ngày đầu gian nan.
Đỗ Đình Thiện - nhà tư sản lên Việt Bắc theo kháng chiến
Cụ Đỗ Đình Thiện (1904 - 1972) sinh tại làng Noi (nay thuộc Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) sang Pháp du học, vừa học vừa tham gia hoạt động cách mạng. Sau khi bị trục xuất về nước, bị kiểm soát gắt gao, cụ Thiện chuyển sang làm kinh tế, mở hiệu buôn bán tơ lụa rồi tậu đất, dựng nhà máy, lập đồn điền…
|
Cụ Đỗ Đình Thiện. Ảnh: Wiki. |
Năm 1946, trước khó khăn của Đảng không có nhà in riêng để in tiền, cụ đã đứng tên và bỏ tiền ra mua lại nhà in của Pháp và hiến cho Chính phủ. Ngoài ra, cụ còn đóng góp nhiều tiền, vàng cho chính quyền cách mạng. Trong chuyến đi Pháp năm 1946, cụ còn trở thành thư ký riêng của Hồ Chủ tịch. Năm 1947, cụ Đỗ Đình Thiện đưa cả gia đình gồm mẹ già và 4 con (nhỏ nhất 4 tuổi, lớn nhất 12 tuổi) lên Việt Bắc theo cuộc kháng chiến 9 năm.