Cơ sở để Thủy sản Minh Phú trở lại sàn niêm yết là việc Chủ tịch HĐQT Lê Văn Quang và người nhà đã chấp nhận giảm tỷ lệ sở hữu tại MPC năm 2016 (lần đầu tiên sau 10 năm) để thu hút nhà đầu tư có tiềm lực.
Với động thái này, MPC sẽ nâng cao sức mạnh tài chính và bổ sung nguồn vốn hoạt động cho công ty. Đây cũng là doanh nghiệp mà bà Chu Thị Bình (người vừa bị mất 245 tỷ đồng gửi tiết kiệm tại Eximbank) giữ cương vị Phó tổng giám đốc và cũng là vợ của Chủ tịch HĐQT Lê Văn Quang.
Tham vọng lớn ở thị trường xuất khẩu
Ngoài việc cơ cấu lại cổ phần cũng như các hoạt động tài chính, sự hỗ trợ lớn từ thị trường xuất khẩu đang giúp cho doanh nghiệp dẫn đầu ngành tôm xuất khẩu có một năm kinh doanh vượt trội so với các năm trước.
Năm 2017, MPC đạt sản lượng 55.775 tấn, tăng 31,4% so với năm 2016 và hoàn thành 0,86% so với kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu đạt 692,5 triệu USD, tăng 30,5% so với năm 2016 và vượt 1,7% kế hoạch. Tổng doanh số đạt hơn 16.800 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ và vượt 6,8% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 841 tỷ đồng, tăng gần 8 lần so với năm trước nhưng chưa hoàn thành kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 thông qua.
Theo ban điều hành Minh Phú, nguyên nhân không đạt được kế hoạch lợi nhuận một phần do những tháng đầu năm 2017 tình hình nguyên liệu của ngành tôm là khó khăn. Đồng thời, các nước như Ấn Độ, Indonesia có giá tôm nguyên liệu rẻ hơn Việt Nam rất nhiều nên để cạnh tranh được, công ty phải giảm biên lợi nhuận.
Hơn nữa, công ty còn một phần tồn kho giá cao của năm 2016 ảnh hưởng tới biên lợi nhuận
Bước sang 2018, doanh nghiệp này đề xuất với cổ đông một kế hoạch tham vọng. Đơn vị đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hợp nhất đạt 800 triệu USD tăng 15%; sản lượng dự kiến đạt 63.000 tấn tôm thành phẩm, tăng 13%; tổng doanh thu thuần hợp nhất 18.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 990 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 39% so với kết quả thực hiện năm trước.
Sẽ quay lại niêm yết trên sàn HoSE
Bên cạnh đặt kế hoạch lợi nhuận khả quan, ban lãnh đạo MPC sẽ trình cổ đông việc đề xuất lần đầu tăng vốn điều lệ sau chục năm giữ nguyên mức 700 tỷ đồng và ‘trở về’ sàn HOSE sau 3 năm huỷ giao dịch tự nguyện. Nội dung này được đánh giá là quan trọng bậc nhất hiện nay.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, MPC sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần (từ 700 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng) sau khi ĐHĐCĐ thống nhất. Phương án tăng vốn điều lệ cụ thể là công ty sẽ phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:1 cho cổ đông và phát hành 1,54 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ có chức danh từ Phó giám đốc trở lên hoặc tương đương. Thời gian hạn chế chuyển nhượng 5 năm.
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư. HĐQT dự kiến trình cổ đông ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT lựa chọn, thông qua danh sách nhà đầu tư cũng như giá bán, thời gian chào bán.
Đợt chào bán nhằm tăng năng lực tài chính cho công ty và bổ sung vốn phát triển kinh doanh. Bởi theo giới phân tích trước đó, việc MPC đang sử dụng nhiều vốn vay mà không tăng vốn góp đang khiến rủi ro hoạt động gia tăng bởi thị trường thuỷ sản vốn bấp bênh.
Đến 31/12/2017, doanh nghiệp này có tổng nguồn vốn kinh doanh gần 9.500 tỷ đồng. Trong đó, các khoản nợ phải trả đang chiếm phần lớn với 6.500 tỷ đồng. Đặc biệt là khoản nợ vay phải trả lãi tổng cộng 5.500 tỷ đồng khiến chi phí tài chính của Minh Phú chiếm rất lớn. Điều này khiến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn khi thị trường không thuận lợi.
Trước đó, tháng 3/2015, Minh Phú đã bây bất ngờ cho giới đầu tư khi đưa ra quyết định rút khỏi niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) sau khi công bố lãi đậm trong năm trước đó và giá cổ phiếu vẫn được neo ở mức cao 122.000 đồng/cp. Lý do mà Chủ tịch Minh Phú đưa ra là việc niêm yết trên sàn khiến công ty khó khăn trong việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài do bị vướng quy định room ngoại ở mức 49%.
Với kế hoạch trở lại sàn cùng với việc giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng được đánh giá là giúp cho MPC có hướng đi bền vững và bảo toàn được giá trị tài sản. Tuy nhiên để vận hành tốt kế hoạch này tỷ lệ sở hữu của chủ tịch HĐQT Lê Văn Quang và người nhà sẽ giảm xuống đôi chút.