Công ty nhà nữ đại gia mất 245 tỷ ở Eximbank làm ăn thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Công ty của nhà nữ đại gia Chu Thị Bình - khách hàng bị mất 245 tỷ tại ngân hàng Eximbank, chi nhánh TP.HCM là Tập đoàn thủy sản Minh Phú - doanh nghiệp có mức sinh lời cao của thị trường chứng khoán.

Khách hàng tố bị mất 245 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu (Eximbank, mã chứng khoán EIB) - sự việc gây rúng động giới tài chính gần đây, chính là bà Chu Thị Bình - người có tiếng tăm trong giới doanh nhân Việt.
Bà Bình sinh ngày 26/7/1964, quê tại Thái Bình. Hiện bà Bình đang là Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC). Bà chính là vợ của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú - người được mệnh danh là "vua Tôm" của Việt Nam.
Trong cơ cấu cổ đông của Minh Phú, bà Bình đang nắm giữ 17,47 triệu cổ phiếu MPC, chiếm khoảng 24,96% vốn điều lệ của công ty. Cùng với việc kinh doanh trở lại thời hoàng kim, giá cổ phiếu chốt phiên 23/2 lên tới 101.600 tỷ đồng, tài sản trên sàn chứng khoán của bà đạt 1.770 tỷ đồng.
Bà Chu Thị Bình - khách hàng tố bị mất 245 tỷ đồng tại ngân hàng Eximbank. Ảnh: tieudung.vn.
Bên cạnh đó, theo thông tin đăng tải trên BizLIVE, tính đến thời điểm 31/12/2017, ông Quang đang sở hữu gần 16 triệu cổ phiếu MPC, tương ứng tỷ lệ 2,8%. Bà Chu Thị Bình đang nắm giữ hơn 17,4 triệu cổ phần MPC, tương ứng 24,96%.
Minh Phú vốn được biết đến là một trong những công ty gia đình lớn của Việt Nam khi các thành viên trong gia đình ông Quang bà Bình đều nắm giữ vị trí quản trị và sở hữu cổ phiếu doanh nghiệp.
Số cổ phần gia đình nữ đại gia và những người liên quan sở hữu tại MPC lên tới 43,9 triệu cổ phần, tương ứng gần 63% vốn điều lệ MPC. Theo thị giá cổ phiếu MPC hiện tại, tổng giá trị của số cổ phần này ở mức 4.437 tỷ đồng.
Báo Nhà Đầu Tư dẫn thông tin từ HNX cho biết, MPC được thành lập ngày 12/5/2006 với vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 120 triệu đồng. Sau 5 lần thay đổi đăng ký kinh doanh đến nay vốn điều lệ của công ty đã là 700 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của công ty gồm: Xuất khẩu thủy sản và các sản phẩm chế biến sang các thị trường lớn trên thế giới, chế biến và bảo quản thủy sản, buôn bán nông lâm sản nguyên liệu, kinh doanh bất động sản…
Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã niêm yết cổ phiếu trên HOSE từ cuối năm 2007. Đến năm 2015, “vua tôm” đã tự nguyện hủy niêm yết do muốn bán cổ phần cho đối tác nước ngoài để “trở thành tập đoàn thủy sản có quy mô toàn cầu”.
Song, ngày 31/3/2015, toàn bộ cổ phiếu của "vua tôm" Minh Phú bất ngờ hủy niêm trên HoSE. Thời điểm hủy niêm yết, thị giá của MPC đã tăng lên mức 122.000 đồng/cổ phiếu. Trước năm hủy niêm yết, "vua tôm" Minh Phú cũng ghi nhận khoản lợi nhuận ròng cao nhất trong 6 năm, đạt trên 920 tỷ đồng.
Nguyên nhân của quyết định hủy niêm yết khi đó được ban lãnh đạo Minh Phú đưa ra, rằng công ty đang rất cần vốn nhưng thị trường chứng khoán không thuận lợi, giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị thực khiến công ty gặp khó trong việc phát hành thêm cổ phiếu. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, cho biết việc rời sàn để tạo cơ hội giúp công ty tìm đối tác chiến lược để mở rộng sản xuất và bảo đảm nguồn vốn.
Tuy nhiên, ngay sau khi hủy niêm yết, "vua tôm" đã phải đối mặt với kết quả kinh doanh sụt giảm. Cuối năm 2015, Minh Phú vẫn ghi nhận 12.200 tỷ đồng doanh thu nhưng báo lỗ ròng 7 tỷ đồng.
Sau 2 năm rời xa thị trường chứng khoán, Minh Phú đưa cổ phiếu MPC quay trở lại thị trường chứng khoán (sàn UPCoM) vào tháng 10/2017 trong sự hoài nghi của nhà đầu tư về hoạt động kinh doanh của công ty. Lý do của sự hoài nghi này là do trong suốt quá trình rời sàn niêm yết, MPC đã bị sụt giảm sâu về lợi nhuận, thậm chí có lúc thua lỗ.
Đến năm 2017, MPC đã quay trở lại là doanh nghiệp có mức sinh lời cao của thị trường chứng khoán với EPS đạt 9.382 đồng. Kết quả này có thể xem một trong là những tín hiệu dự báo tương lai tươi sáng của MPC khi doanh nghiệp này vừa đưa cổ phiếu trở lại sàn chứng khoán vào tháng 10/2017 vừa qua.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 của MPC, công ty ghi nhận 6.024 tỷ đồng doanh thu thuần riêng quý IV/2017, tăng hơn 2.170 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Dù chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, cộng thêm khoản lỗ trong công ty liên doanh – liên kết, MPC vẫn báo lãi 284 tỷ đồng quý IV/2017, gấp 13 lần cùng kỳ, nâng tổng lợi nhuận sau thuế cả năm 2017 lên 714 tỷ đồng, tăng 772% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 642 tỷ đồng.
Hồng Liên (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)