Ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp còn chưa kịp phục hồi thì tiếp tục phải đối phó với làn sóng tăng giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu đầu vào do giá xăng dầu thế giới liên tục tăng. Nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa phải tìm nhiều cách thức khác nhau để bình ổn giá sản phẩm đầu ra, thậm chí có đơn vị đã chấp nhận bù lỗ để không tăng giá bán, giữ chân người tiêu dùng.
Công ty CP TM & XNK thực phẩm Sao Mai đang đứng sức ép rất lớn về giá cả. Theo bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc công ty, giá đã tăng 18-30%. "Giá cả tăng khiến lượng khách hàng giảm khá lớn thế nhưng do làm khâu thương mại nên cơ bản không có biện pháp bình ổn giá", bà Mai nói.
Các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố Thanh Hóa cũng cho biết đã bắt đầu nhận được đề nghị điều chỉnh giá từ phía các nhà cung cấp. Trước mắt, hệ thống bán lẻ đã đàm phán với đối tác để kéo dài thời gian trước khi tăng giá, đồng thời tích cực dự trữ nguồn hàng, triển khai nhiều chính sách bán hàng để ổn định thị trường, tăng các chương trình khuyến mãi, đa dạng hình thức bán hàng để kích cầu sức mua.
Chị Lê Thị Năm, chủ một cửa hàng thực phẩm cho biết, các mặt hàng nhập khẩu lấy ở các nhà phân phối lớn Hà Nội, các mặt hàng nội địa đi theo các kênh của cửa hàng sạch trong tỉnh. Do chi phí nhân công, chi phí xăng dầu tăng, nên các mặt hàng cũng tăng nhẹ, tuy nhiên không đáng kể, thậm chí, nhiều mặt hàng vẫn phải chấp nhận bán lỗ.
"Chúng tôi giữ khách hàng bằng cách khuyến khích khách hàng mua từ 200.000 đồng trở lên để có thêm các chương trình khuyến mãi cũng như mua qua online sẽ được miễn phí vận chuyển. Cái khó của các doanh nghiệp là sức mua không tăng nên phải cân đối giữa mức tăng giá nếu không việc tiêu thụ còn ì ạch hơn", chị Năm chia sẻ.
|
Có doanh nghiệp đã chấp nhận bù lỗ để không tăng giá bán, giữ chân người tiêu dùng. |
Với hơn 90% thiết bị từ nguồn nhập khẩu vì thế Công ty cổ phần thiết bị y tế An Sinh bị ảnh hưởng không nhỏ do biến động của thị trường thế giới. Đơn vị này đang đứng trước sức ép tăng giá rất lớn bởi chi phí đầu vào.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, hầu hết sản phẩm ảnh hưởng bởi cước phí vận chuyển, các chi phí phát sinh trong quá trình giao nhận hàng. Ngoài ra, nguyên vật liệu tăng các nhà sản xuất cũng điều chỉnh tăng giá dẫn đến cả chuỗi cung ứng bị biến động giá.
Theo ông Nguyễn Tăng Hòa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thiết bị y tế An Sinh, thị trường thế giới ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, đặc biệt nghiêm trọng với các doanh nghiệp trúng thầu 1-2 năm vật tư y tế, nhất là các vật tư thay thế, cấy ghép kỹ thuật cao.
"Hiện chúng tôi chưa tăng giá mặt hàng nào, tuy nhiên khoảng 1-2 tháng nữa chắc chắn sẽ phải điều chỉnh tăng. Bản thân phía doanh nghiệp cũng chia sẻ với thị trường và khách hàng bằng cách phải giảm chi phí, rất nhiều mặt hàng bán hòa vốn thậm chí một số mặt hàng phải chấp nhận bán lỗ. Một số mặt hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không chỉ giá mà nguồn cung ứng cũng bị ảnh hưởng nhiều, công ty sẽ phải nghiên cứu dừng phân phối, một số mặt hàng sẽ gián đoạn về cung cấp", ông Hòa cho biết.
Theo tính toán, chi phí về nhiên liệu chiếm tới 35-40% giá thành vận tải, bởi vậy khi giá xăng dầu biến động liên tục sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, tạo áp lực tăng chi phí đầu vào.
Ngoài việc tối ưu hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng cắt giảm các khâu dôi dư nhằm tiết giảm chi phí, cố gắng chưa tăng giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa để hỗ trợ, chia sẻ cùng khách hàng. Các doanh nghiệp kỳ vọng, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và sự điều hành giá cả linh hoạt của Chính phủ sẽ phát huy hiệu quả để kích thích sức mua, giảm gánh nặng chi phí.