Đi chợ online mùa dịch và cái kết “khóc dở mếu dở"

Google News

Có lẽ không ít người gặp phải một trong những tình huống dở khóc dở cười khi mua hàng online vào mùa dịch.

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nước ta, nhiều người lựa chọn cách mua hàng online để tránh nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, dù cẩn thận đến mấy, đặt mua các cửa hàng quen thuộc hay đặt mua người quen biết cũng khó tránh được một số tình huống.
Là người thích chơi cá cảnh, anh Hưng (Phổ Yên, Thái Nguyên) có đặt hàng chục loại cây thủy sinh của một cửa hàng thường mua trên sàn thương mại điện tử về thả bể cho đẹp. Do dịch Covid-19, thời gian vận chuyển bị kéo dài, một số cây thủy sinh của anh bị thối, hỏng.
“Tôi đặt mua từ hôm 15/7 nhưng mãi đến 22/7 mới thấy shipper liên hệ giao hàng. Lúc nhận hàng, tôi mở ra mới biết có một số cây bị thối lá, đặc biệt cây bèo Nhật thì thối hết cây, biến dạng”, anh cho hay.
Tuy nhiên, anh cũng cảm thông cho cửa hàng và người vận chuyển vì dịch Covid-19 có chút ảnh hưởng. Anh cũng không thắc mắc hay khiếu nại gì.
Di cho online mua dich va cai ket “khoc do meu do
 Do thời gian vận chuyển lâu, bèo Nhật mà anh Hưng đặt mua đã hỏng.
Không chỉ vậy, một số người dân còn phản ánh khi mua hàng qua mạng, đặt mua cá này nhận cá khác hay bị cân thiếu và nhận phải rau sắp hỏng…
Chị Linh (Đống Đa, Hà Nội) thấy trên chợ mạng có người bán cá hồi Sa Pa cắt khúc với giá rẻ bất ngờ, chỉ 159.000 đồng/kg. Trước đó, chị đều mua với giá hơn 200.000 đồng/kg loại cả con.
“Tôi liền đặt mua 3 cân, tổng phải trả là gần 480.000 đồng. Tôi đã thanh toán hết số tiền này cho người bán nhưng khi nhận về, tôi cân lên lại chỉ có 1,5kg. Trên bao bì của sản phẩm, tôi không thấy ghi thông tin gì cả và tôi có liên hệ với người bán nhưng không thấy họ trả lời tin nhắn hay nghe điện thoại. Trong khi đó, tôi vẫn thấy người đó bình luận các bài đăng bán khác”, chị chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Thúy (Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội) lại khá bức xúc khi đặt món hàng này thì người bán lại ship món khác. “Cách đây vài hôm, tôi có đặt mua con gà có trứng của một người bán ở Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội). Vì thấy xa, tôi liền đặt mua 2 con để cho bõ công ship và trả phí 25.000 đồng. Cẩn thận hơn, trước khi ship khoảng 1h, tôi có nhắn lại cho người bán là nhớ ship đúng gà theo yêu cầu đã đặt. Nhưng khi nhận, tôi mở ra lại là gà đông lạnh đóng thùng xốp bán tràn lan, không giống như ảnh và quảng cáo của người bán”, chị kể lại.
Chị liền gọi lại cho người bán đó và muốn đổi lại loại gà có trứng, giống hình và quảng cáo. Người bán liền thái độ và giọng điệu thay đổi, đổ lỗi là quên để trứng vào.
Nhưng chị vẫn quyết từ chối không nhận gói hàng vì hàng không đúng yêu cầu và thái độ của người bán.
Di cho online mua dich va cai ket “khoc do meu do
 Chị Thúy chia sẻ câu chuyện đặt mua gà có trứng và nhận được gà đông lạnh, không trứng, khác hoàn toàn so với ảnh quảng cáo của người bán.
Một số người khác còn chia sẻ câu chuyện đặt mua rau tươi như rau cải, hành lá, xà lách… trên mạng. Thế nhưng, khi nhận hàng, họ lại thấy toàn rau dập và úa, chuẩn bị hỏng, phải vứt bỏ khoảng 50%. Có người đặt mua sườn thăn với giá 100.000 đồng/kg, tưởng rẻ, đến khi nhận được mới tá hỏa sườn toàn xương mà không thấy thịt đâu.
Chị Vũ Thị Huyền – có kinh nghiệm 10 năm kinh doanh rau củ quả tại chợ, cho biết thời điểm nào cũng sẽ có những người bán không có tâm. Vì thế, để tránh những rủi ro đáng tiếc, người mua nên ưu tiên nơi quen biết hoặc đã từng mua sản phẩm trước đó.
Nếu chọn nơi mới, người tiêu dùng dành một chút thời gian để quan sát các tương tác tại các bài đăng bán trên mạng, xem phản hồi, nhận xét của những người mua trước như thế nào.
“Giá cao – thấp đôi khi lại ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Vì thế, khách hàng không nên ham rẻ, cần xem xét thật kỹ trước khi xuống tiền”, chị cho hay.
Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), khi mua hàng trực tuyến, người dân nên chọn nơi bán hàng uy tín và cẩn trọng với những bình luận, đánh giá trên mạng, bởi hiện nay một số biện pháp kỹ thuật có thể can thiệp vào những việc này.
Khi thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, người tiêu dùng có thể chia sẻ với người thân, bạn bè, đồng nghiệp để phòng tránh. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể phản ánh, khiếu nại tới cơ quan quản lý Nhà nước để được tư vấn, hướng dẫn cách thức bảo vệ quyền lợi.
Theo Anh Thư/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)