Tổng cục Thuế đã có văn bản tham mưu Bộ Tài chính về xây dựng chính sách thuế, theo đó tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật, liên quan đến căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và thu nhập doanh nghiệp.
Tổng cục Thuế cũng cho biết thời gian qua, cơ quan này đã phối hợp với cơ quan Công an phát hiện các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, không kê khai, kê khai giá trên hợp đồng, hóa đơn thấp hơn giá thực tế trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Với chiêu trò kê khai giá trên hợp đồng không đúng với giá giao dịch thực tế, các đối tượng thường thực hiện song song 2 hợp đồng, gồm hợp đồng chuyển nhượng bất động sản có công chứng theo quy định với giá nhà đất thấp hơn nhiều so với giá thực tế.
Trong khi đó, hợp đồng thứ 2 được viết tay do hai bên tự ký, ghi theo giá thực tế chuyển nhượng để phòng ngừa khi tranh chấp tại toà.
Thực tế còn ghi nhận nhiều trường hợp hồ sơ mới trúng đấu giá đất, sau khi có giấy chứng nhận đã làm hợp đồng bán lại với giá thấp hơn nhiều giá trúng đấu giá hoặc bằng giá của UBND tỉnh, thành phố ban hành.
Các hành vi trốn thuế cũng xuất hiện trong giao dịch chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trong đó, giá trị hợp đồng mua bán của bên thứ 2 cho bên thứ 3 cũng chỉ bằng hoặc thấp hơn giá đã mua từ chủ đầu tư.
|
Tổng cục Thuế đề xuất các giao dịch mua bán nhà đất phải thực hiện qua ngân hàng để kiểm soát dòng tiền. Ảnh: Hoàng Hà.
|
Ngoài ra, Tổng cục Thuế còn xác định một số trường hợp các bên giao dịch chuyển nhượng bất động sản nhưng không ký kết hợp đồng mua bán mà ký hợp đồng ủy quyền, trong đó người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với bất động sản.
Theo Tổng cục Thuế, để quản lý một các có hiệu quả đối với hoạt động mua bán nhà đất, ngoài quy định về quản lý thuế cần có quy định đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và phối hợp của các cơ quan ban ngành có liên quan.
Hiện tại có nhiều bộ, ngành cũng quản lý hoạt động liên quan đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng...), tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành này lại chưa đồng bộ. Trong khi đó, dữ liệu về đất đai của các cơ quan quản lý chưa được xây dựng đồng bộ, liên thông để trao đổi, quản lý thông tin.
Đặc biệt, hiện chưa có quy định để kiểm soát dòng tiền đối với các giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Điều này khiến cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc quản lý thuế đối với các giao dịch mua bán bất động sản hiện nay.
Tổng cục Thuế cũng cho biết thêm, theo quy định hiện nay, cơ quan thuế có quyền ấn định thuế với các trường hợp kê khai, nộp thuế không đúng với giá chuyển nhượng thực tế. Tuy nhiên, cơ quan thuế lại không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều khó khăn.
Theo Tổng cục Thuế, việc ấn định thuế chỉ được thực hiện hiệu quả trong trường hợp cơ quan có liên quan (Công an điều tra, Thanh tra kiểm tra…) thu thập đủ chứng cứ chứng minh giao dịch mua bán thực tế, phát hiện kết luận hành vi gian lận, trốn thuế thì mới đủ căn cứ để ấn định thuế.
Trên thực tế, các trường hợp này diễn ra khá phổ biến và Tổng cục Thuế cũng nhận được báo cáo của một số địa phương về việc chuyển hồ sơ qua cơ quan cảnh sát điều tra nhưng bị chuyển trả lại vì không đủ căn cứ xác định hành vi trốn thuế.
Để hạn chế tình trạng trên, Tổng cục Thuế đề xuất Bộ Tài chính bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại Luật kinh doanh bất động sản. Đồng thời, bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế.