Tham luận của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, hiệp hội rất hoan nghênh Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ, đặc biệt là Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước đã đổi mới cách làm là ngay từ đầu năm, đồng thời khẳng định, các mức lãi suất điều hành thời gian tới vẫn sẽ được giữ nguyên nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn. Các cơ chế, giải pháp điều hành này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vững chắc hơn trong năm 2024.
Để tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, ông Châu đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tạo điều kiện cho người mua nhà ở thương mại được tiếp cận tín dụng với giá vừa túi tiền. Cụ thể, đề nghị Nhà nước xem xét bổ sung đối tượng là người mua nhà ở thương mại giá vừa túi tiền từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống (khoảng 35 triệu đồng/m2) được tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
HoREA đề xuất cơ quan chức năng tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản được tiếp cận vốn.
Hiện tại, gói hỗ trợ này mới giải ngân 646 tỷ đồng là quá thấp. Trên thực tế, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Công điện số 18/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bảo đảm dòng vốn tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư) mà đối tượng tiêu dùng bất động sản chính là người mua nhà.
Đặc biệt, để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2023, hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền xem xét khôi phục lại đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng. Khoản tiền này mới chỉ bằng 30% tổng nhu cầu vốn để thực hiện Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.
Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bãi bỏ quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT -NHNN), không quy định tổ chức tín dụng “phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay” đối với “trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.
Điều này sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ “đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh” để bảo đảm “quyền” của “bên nhận đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh”.
Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bãi bỏ điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP (sửa đổi khoản 2 Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP) cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình.
Bởi, theo ông Châu, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã được ban hành trước Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ đến 1 năm.