|
Cơ quan cảnh sát điều tra đã khám xét Eximbank chi nhánh TP.HCM và bắt hai nhân viên vào trưa hôm qua - Ảnh: HỮU THUẬN. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa nay, 27-3, luật sư Phan Trung Hoài - một trong hai luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Chu Thị Bình - nói mong muốn ngân hàng Eximbank chủ động làm việc với bà Bình để tìm ra giải pháp, từ đó có lộ trình trả tiền cho bà Bình chứ không thể theo cách như hiện nay là yêu cầu ra tòa.
Phía bà Bình cũng mong muốn được Eximbank hoàn trả 245 tỉ đồng bất kể có bắt được ông Lê Nguyễn Hưng hay không.
Bà Chu Thị Bình là khách hàng bị mất 245 tỉ đồng khi gửi tiết kiệm tại Eximbank.
Cơ quan điều tra xác định Eximbank là bị hại
Hôm qua, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam hai nhân viên Eximbank chi nhánh TP.HCM có liên quan đến vụ bà Chu Thị Bình mất 245 tỉ đồng.
Nói về sự việc này, luật sư Phan Trung Hoài cho biết "rất lấy làm tiếc" nhưng đây là tiến trình bắt buộc phải có để làm rõ vai trò và cách thức dẫn đến việc Lê Nguyễn Hưng có thể rút ruột và chiếm đoạt 245 tỉ đồng của ngân hàng thông qua nguồn tiền của khách hàng.
Trên cơ sở vụ án đã được khởi tố, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ làm sáng tỏ những người trực tiếp liên đới và cả những người có trách nhiệm liên quan để làm rõ bản chất hành vi.
Cũng theo luật sư Hoài, gần đây có nhiều thông tin từ phía Eximbank thông qua ý kiến của luật sư và người đại diện mà ông cho rằng về quan điểm và cách giải quyết chưa xem xét đến bản chất sự việc và trách nhiệm của ngân hàng với người gửi tiền.
Nhất là khi người gửi tiền đó đang nắm giữ sổ tiết kiệm bản chính.
Ông Hoài cho rằng cảnh sát điều tra đã xác định người bị hại trong trường hợp này là ngân hàng. Nhưng cách thức giải quyết của Eximbank thời gian qua chưa đạt được đến tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước cũng như thể hiện trách nhiệm với khách hàng.
Cùng với những vụ việc khác gần đây đang đặt ra rất nhiều lo lắng cho người gửi tiền.
Còn quan điểm phía bà Bình rất rõ ràng, là ngoài việc làm rõ trách nhiệm của người liên quan, cần làm rõ luôn trách nhiệm của ngân hàng, từ đó giải quyết trả 245 tỉ đồng cho bà Bình.
Việc có bắt được Lê Nguyễn Hưng sau lệnh truy nã không sẽ được giải quyết sau. Nó không làm hạn chế trách nhiệm của NH với bà Chu Thị Bình.
"Ở góc độ luật sư trước diễn biến sự việc như trên, chúng tôi rất mong muốn ngân hàng chủ động làm việc với bà Chu Thị Bình và chúng tôi để tìm ra giải pháp để có lộ trình, tiến độ nghiêm túc chứ không thể theo cách như hiện nay là yêu cầu ra tòa để chờ phán quyết.
Chúng tôi tin rằng nếu NH giải quyết sự việc một cách thấu đáo, quan tâm và có trách nhiệm xử lý vấn đề của bà Chu Thị Bình trên cơ sở các nguyên tắc cũng như thực tế và kết quả xác định của cơ quan điều tra thì sẽ không kéo theo những hệ lụy rất đáng tiếc như vừa qua", luật sư Phan Trung Hoài nói thêm.
|
Công an khám xét trụ sở Chi nhánh Eximbank trưa 26-3, bắt tạm giam hai nhân viên ngân hàng. |
Không đồng ý nhận tạm ứng
Trước đó, Eximbank từng làm việc với phía bà Bình và đề xuất tạm ứng cho bà 14,8 tỉ đồng. Tuy nhiên bà Bình không nhận khoản tạm ứng này vì không đồng ý với các điều kiện mà phía Eximbank đưa ra. Từ đó đến nay hai bên chưa làm việc thêm.
Trưa qua, 26-3, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam hai nhân viên Eximbank chi nhánh TP.HCM.
Sau sự việc này, trả lời về phương án giải quyết với các vụ mất tiền gần đây, đặc biệt với vụ mất 245 tỉ đồng của bà Chu Thị Bình, ông Ngô Thanh Tùng, thành viên hội đồng quản trị Eximbank, cho biết nếu khách hàng mất tiền do lỗi của ngân hàng hoặc nhân viên ngân hàng, không có chữ ký và tham gia của khách hàng, Eximbank sẽ chi trả ngay.
Trường hợp có chữ ký của khách hàng, việc tham gia của khách hàng trong vụ việc phải được làm rõ bởi cơ quan pháp luật và có phán quyết cuối cùng về trách nhiệm mỗi bên.
"Có các trường hợp chúng tôi đã tất toán, có đầy đủ chữ ký của khách hàng, nếu khách hàng vẫn cứ đòi và đưa ra công luận để tạo áp lực, chúng tôi sẽ tiến hành các bước pháp lý bảo vệ quyền lợi ngân hàng", ông Tùng khẳng định.