Công trình vi phạm TTXD, phá vỡ quy hoạch phố cổ xử lý thế nào?
Thông tin công trình giữa phố cổ Hà Nội bị phản ánh vi phạm trật tự xây dựng (xây 6 tầng), phá vỡ quy hoạch phố cổ Hà Nội, nhưng không thấy bị lực lượng chức năng sở ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm đang gây xôn xao dư luận.
|
Công trình ở khu vực phố cổ Hà Nội hiện đã xây lên đến 6 tầng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bên ngoài công trình được gia chủ phủ kín mành đen để "che mắt" dư luận. |
Dưới góc độ pháp lý liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV Kiến Thức Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Tại Điều 89 Luật xây dựng năm 2014 quy định: Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Tuy nhiên công trình trong khu vực phố cổ Hà Nội không thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
Đối chiếu với khoản 2 Điều luật nêu trên thì việc công trình ở phố cổ Hà Nội phải tiến hành xin cấp giấy phép xây dựng.
Trường hợp công trình nêu trên không có giấy phép xây dựng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 nghị định 139/2017:
“5. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;”
Trường hợp đã xin giấy phép xây dựng phù hợp với quy chế Quản lý quy hoạch - Kiến trúc khu phố cổ Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 của UBND TP Hà Nội) nhưng có hành vi xây dựng vượt giấy phép, xây dựng trái giấy phép xây dựng sẽ bị xử lý như sau:
“4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;…”
Ngoài việc áp dụng phạt tiền nêu trên thì sẽ phải tiến hành áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
“ 12. Đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều này mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau:
a) Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình;
b) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng;
c) Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.”
|
Do vi phạm, xây cao hơn so với những ngôi nhà khác ở phố cổ nên đứng từ xa nhiều người vẫn dễ dàng quan sát thấy công trình trong khu vực phố cổ Hà Nội vi phạm trật tự xây dựng. |
Trách nhiệm lãnh đạo phường ở đâu mà để vi phạm “lọt” trước mặt?
Theo luật sư Hoàng Tùng, từ phản ánh thực tiễn của báo điện tử Kiến Thức thì công trình trong khu phố cổ Hà Nội tiến hành xây dựng công khai trái quy định của pháp luật. Do vậy, các cán bộ có thẩm quyền khi nhận được phản ánh của người dân cần phải có trách nhiệm kiểm tra làm rõ về việc công trình được cấp phép xây dựng chưa? Nếu có cấp phép thì việc thực hiện có đúng giấy phép được cấp hay không? Trong quá trình thực hiện có đảm bảo các yêu cầu về an toàn xây dựng, bảo vệ môi trường rồi trật tự mỹ quan đô thị hay không?
“Chính quyền phường cũng phải chịu trách nhiệm với việc thực hiện công vụ, nhiệm vụ trong thẩm quyền của mình. Trường hợp có hành vi lơ là, thiếu trách nhiệm hoặc cố tình nhắm mắt làm ngơ bỏ qua cho hành vi vi phạm trong khu vực phố cổ thì cần phải xử lý nghiêm khắc. Tùy thuộc vào hành vi cụ thể sẽ có các biện pháp xử lý phù hợp”, - vị luật sư nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, luật sư Hoàng Tùng cũng chia sẻ thêm, quy hoạch phố cổ Hà Nội là quy hoạch đã có các văn bản của các cấp nhà nước quy định. Mục đích chính là để bảo tồn nét văn hóa đặc trưng, kiến trúc đặc biệt và lưu giữ những nét độc đáo trong cuộc sống của người dân nơi đây. Điều này có ích rất nhiều trong việc phát triển kinh tế đất nước (đặc biệt là du lịch dịch vụ) mà còn lưu giữ những nét độc đáo mang tính chất lịch sử của nước ta.
Tuy nhiên thực trạng về những công trình vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ quy hoạch phố cổ diễn ra không phải là chuyện gì mới lạ. Đã có rất nhiều những công trình tương tự như công trình ở khu vực phố cổ Hà Nội vi phạm những quy định nhưng việc ngăn chặn hay quản lý của chính quyền địa phương vẫn còn lỏng lẻo.
“Các quy định của pháp luật về xây dựng và xử phạt liên quan vẫn còn nhiều kẽ hở, dẫn đến người dân vi phạm, chính quyền lúng túng trong việc xử lý vi phạm. Vì thế, nhà nước cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn về vấn đề trật tự quản lý đô thị. Xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm”, - luật sư Hoàng Tùng nói.
Theo quy chế Quản lý quy hoạch - Kiến trúc khu phố cổ Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 của UBND TP Hà Nội) đã quy định rất rõ, các công trình xây dựng thuộc các tuyến phố cổ mặt ngoài chỉ được phép xây dựng 3 tầng, mặt trong là 4 tầng, chiều cao tối đa 16m, mật độ xây dựng là 60% - 70%.
*Kiến Thức tiếp tục thông tin.